Tiền Giang: Vịt nuôi thích nghi vùng biển mặn

Đó là mô hình nuôi vịt biển được Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang triển khai nhằm đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển. Mô hình tuy mới triển khai nhưng được nhiều hộ hưởng ứng và bước đầu đã cho hiệu quả.

Mô hình chăn nuôi vịt biển do Chi cục Thú y tỉnh thực hiện ở 4 hộ thuộc 2 xã Phú Đông và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). Khi tham gia mô hình, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% giống, 25% tiền thức ăn (vịt từ 1 ngày tuổi đến 20 tuần tuổi) và hỗ trợ 25% thuốc sát trùng.

Bà Đỗ Thị Kim Hiếu, ấp Rãnh, xã Phú Đông là 1 trong 4 hộ tham gia mô hình cho biết: “Ngành Thú y đã hỗ trợ cho gia đình 250 con vịt biển. Đến nay, đàn vịt đã trên 2 tháng tuổi và mỗi con trung bình khoảng 2,3kg. Loại vịt biển này chịu được nguồn nước mặn, tỷ lệ hao hụt thấp và tăng trọng nhanh; vịt uống nước mặn, sống được ở những nơi có độ mặn cao, thức ăn cho vịt cũng phong phú”.

Tiền Giang: Vịt nuôi thích nghi vùng biển mặn - images1265001 4A

Sau hơn 2 tháng nuôi, vịt biển của bà Hiếu tăng trọng hơn 2,3 kg/con.

Trước đây, gia đình bà Hiếu thường xuyên nuôi vịt thịt và vịt thường để đẻ, nhưng vào mùa khô thì nơi đây thiếu nước ngọt, đàn vịt không đẻ và không chịu nổi khi độ mặn cao. Được triển khai chủ trương nuôi vịt biển, gia đình bà đăng ký tham gia. Bởi theo bà, với kinh nghiệm nuôi vịt thường đã lâu, cộng với việc cán bộ thú y thường xuyên theo dõi nên bà cảm thấy an tâm hơn.

Đến với gia đình ông Trần Văn Cẩn, ấp Cồn Cống, xã Phú Tân khi đàn vịt của ông đang lặn tìm nghêu, sò… ven biển. Gia đình ông Cẩn cũng được Chi cục Thú y tỉnh hỗ trợ 250 con vịt biển. Chỉ bầy vịt đang say mê tìm mồi, ông Cẩn cho biết:

“Nghe triển khai mô hình, tôi thấy cũng lo vì không biết nó nuôi giống như vịt thường không, có thích nghi được với môi trường mặn vùng biển này không. Nuôi một thời gian thấy vịt biển phát triển rất nhanh, so với giống vịt địa phương thì giống vịt biển lớn nhanh hơn 10 – 15% trọng lượng”.

Loại vịt biển có tính háu ăn và uống nước nhiều, với độ mặn của nguồn nước ven biển rất cao nhưng vịt biển vẫn uống được. So sánh với vịt địa phương thì giống vịt biển này khả năng thích nghi cao, nguồn thức ăn có thể sử dụng đa dạng như: Thức ăn công nghiệp, cám, lúa, ruốc, nghêu, sò và nhiều loại cá từ biển.

Giống vịt biển 15 (gọi tắt là vịt biển) là sản phẩm do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu và chọn tạo thành công. Giống vịt này nằm trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện nay, giống vịt biển 15 được chăn nuôi hiệu quả tại nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Kiên Giang… Bởi tính năng của nó thích nghi với nhiều loại môi trường nước nên thích nghi với biến đổi khí hậu; sinh trưởng nhanh, đẻ sai; chất lượng thịt, trứng thơm ngon.

Bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, giống vịt biển này là loại thủy cầm có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở môi trường nước lợ, mặn ở địa phương nên có thể sống tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển.

Chăn nuôi loài vịt này không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, khả năng tự săn mồi rất tốt.

Đây là giống vịt có nguồn gốc ở các tỉnh miền Trung, tập quán của vịt biển là sinh sống quanh các bãi biển, có khả năng sử dụng nguồn nước biển với độ mặn cao làm nguồn nước uống, khác với giống vịt địa phương.

Với khả năng thích nghi cao ở vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, lợ khan hiếm vào mùa khô, giống vịt biển sẽ giúp cho nông dân nơi đây có lựa chọn tốt hơn để phát triển nghề chăn nuôi; đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn thủy sản từ các bãi ven biển.

Vịt biển có thịt nhiều, ít mỡ, thơm ngon; trứng to, vỏ dày, nhiều lòng đỏ, màu đỏ sậm hơn so với vịt nuôi nước ngọt; giá trị kinh tế cao, thị trường đầu ra ổn định.

“Hiện nay, nguồn vịt biển giống khan hiếm và phải vận chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội về nên chi phí cao, tỷ lệ hao hụt nhiều (do đường xa). Do vậy, Chi cục Thú y đợi những đàn vịt trong mô hình sinh sản và cho ấp nở để tiến hành nhân rộng ra các hộ khác” – bà Mến cho biết.

Vịt biển là giống mới, rất thích nghi với vùng nuôi ven biển. Mô hình này đang mở ra triển vọng cho nông hộ trong việc đa dạng hóa loại vật nuôi, phù hợp với biến đổi khí hậu như hiện nay.

Vịt biển mới nở có lông màu vàng nhạt, ở đầu và đuôi có phớt đen. Vịt trưởng thành có màu lông cánh sẻ, cổ có khoang trắng, lông cánh màu xanh đen, mỏ và chân màu vàng nhạt, có con màu xám, cổ trung bình; tuổi đẻ là 20 – 21 tuần tuổi, trọng lượng vịt vào đẻ từ 2,5 – 2,7 kg/con; một con mái có thể đẻ từ 240 – 245 trứng/năm, trọng lượng trứng từ 80 – 85 g/trứng.

Vịt có thể nuôi theo các phương thức khác nhau như: Nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, nuôi nhốt kết hợp cá – vịt, cá – lúa – vịt, lúa – vịt.

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Thảo luận cho bài: Tiền Giang: Vịt nuôi thích nghi vùng biển mặn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *