Lan hài thường sống ở vùng lạnh ẩm của núi cao nên chúng không phát triển tốt khi mang xuống đồng bằng do đó gây cho chúng ta ấn tượng là Lan hài khó trồng.
Thật ra thì Lan hài có 2 nhóm:
- Nhóm lá có vân, thường chịu được nhiệt độ ấm, sống tốt ở đồng bằng: nhiệt độ thích hợp cho chúng là15,5°C – 18°C về đêm, nhiệt độ ban ngày 22°C – 26,5°C .
- Nhóm lá không có vân, thích hợp vùng núi cao, lạnh. Nhiệt độ ban đêm 10°C – 13°C, nhiệt độ ban ngày 15,5°C – 18°C.
Vì vậy ở đồng bằng chúng ta có thể trồng Lan hài được và như ta đã biết, quanh Sài Gòn, Gia Định xưa Lan hài mọc khắp mà sách vở còn ghi, như loài Paphiopedilum concolor gọi là Hài Gia Định. Hơn nữa các Lan hài lai chịu được khí hậu nóng ở đồng bằng đã được nuôi trồng khá phổ biến ở nhiều nơi.
Như vậy ngoại trừ ở cao nguyên như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột…là những nơi lý tưởng để trồng Lan hài còn ở đồng bằng thì nên chọn những loài chịu khí hậu nóng, thường là những loài có vân ở lá.
1. Ánh sáng
- Lan hài phải được trồng dưới mái che râm mát;
- Độ sáng thích hợp là 30 – 40%, nên trồng dưới mái hiên có ánh sáng khuyếch tán là tốt nhất;
- Thiếu nắng lá sẽ đậm màu, dư nắng sẽ tái nhạt, quá dư nắng lá sẽ bị cháy và cây dễ khô héo.
2. Nước tưới
- Việc tưới nước là quan trọng vì Lan hài mọc nơi ẩm ướt , không có giả hành phù mập để trữ nước;
- Phải giữ ẩm suốt năm, không có kỳ để khô;
- Thường tưới 1-2 lần/ ngày bằng vòi phun sương, mùa khô tưới thường xuyên;
- Tưới nước đẫm trước và sau khi tưới phân;
- Vào mùa mưa các chậu Lan hài phải được đặt lên sạp hay treo lên giàn để chống việc úng nước làm Lan hài bị thối.
3. Chất trồng
- Chất trồng và chậu trồng phải giữ ẩm tốt, chậu trồng nên có nhiều lỗ;
- Chất trồng không nên có đất, hỗn hợp chất trồng tốt là xơ dừa vụn hoặc sợi dớn, than gỗ vụn;
- Với loài sống trên đá vôi cần thêm vài viên đá vôi, hoặc có thể thế bằng vỏ trứng, vỏ sò đập vụn;
- Trộn hỗn hơp rồi cho vào nữa phần chậu, đáy chậu bỏ một lớp than vụn để dễ thoát nước, cho cây vào giữa chậu cho thêm chất trồng phủ rễ nhưng không phủ kín gốc.
4. Bón phân
- Có thể bón NPK 1-2 lần 1 lần, cần có 40ppm Ca++ và 20-30ppmMg++;
- Dùng nước phân hữu cơ pha thật loãng hoặc tốt nhất là nước tiểu pha loãng 1/10;
- Cần theo dõi để bổ sung đá vôi, vỏ sò ốc…;
- Mùa nắng tưới nước và phân thường xuyên, mùa mưa giảm bớt do sự quang hợp giảm. Nếu thấy đầu lá nâu khô thì ngừng hẳn việc tưới phân.
5. Sang chậu
- Sang chậu khi cây trưởng thành mọc ra ngoài chậu, chất trồng bắt đầu mục nát, thoát nước kém, sang chậu ngay sau mùa hoa. Khi sang chậu cần nhẹ nhàng;
- Cần bỏ hết chất trồng cũ, rễ hư thối, cần rửa rễ với thuốc trừ nấm;
- Tưới nước đẫm cho chất trồng ổn định và chờ 3-5 ngày sau mới tưới trở lại, cần tưới sương trên lá vào mùa hè để giữ ẩm, đến khi chồi mới phát triển thì tưới đều trở lại.
6. Nhân giống
- Nhân giống bằng cách tách chiết, kết hợp khi sang chậu;
- Tách cây ra từng bụi 2-3 cây một đơn vị, có thể dùng tay hoặc kéo xắn đứt căn hành giữa chúng;
- Cắt bỏ lá già,rễ hư, bỏ đất trồng cũ rồi trồng vào chậu mới với đất trồng mới.
7. Bệnh trên cây Lan hài
- Bịnh thường gặp là nhện đỏ và rệp bột nên xử lý bằng thuốc chống côn trùng loại Dimethoate mỗi tháng 1-2 lần;
- Dùng thuốc trừ nấm như Orthocide, Benomyl tháng/lần để ngừa việc thối gốc, thối rễ.
Nguồn: Sưu tầm