Xã Sơn Nam (Sơn Dương) có gần 2.000 hộ dân thì có đến 1.500 hộ chăn nuôi, trong đó có gần 100 hộ chăn nuôi quy mô lớn. Những năm qua, ngành chăn nuôi đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ xã Sơn Nam đề ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ở 3 ngày mới được vào trang trại
Dù đã có hẹn trước với lãnh đạo xã Sơn Nam nhưng khi đến địa phương, tôi được đồng chí Trần Quang Lục, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi chưa liên hệ được với các chủ trang trại. Nhà báo thông cảm, các trang trại có quy trình nghiêm ngặt, như thế mới hạn chế được dịch bệnh. Nhiều trang trại còn quy định, phải ở trong khu vực trang trại chăn nuôi 3 ngày không được đi đâu để tiệt trùng rồi mới được vào khu chăn nuôi”. Thấy tôi vẫn quyết tâm muốn đến các trang trại, Phó Chủ tịch Lục tiếp tục gọi điện liên hệ. Sau một hồi gọi điện thuyết phục, anh quay lại tươi cười bảo với tôi: “Các chủ trang trại đã “phá lệ” rồi đồng chí ạ! Cũng phải thông cảm cho người chăn nuôi, bởi việc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi là vấn đề số 1, thế mới đảm bảo hiệu quả chăn nuôi”.
Lãnh đạo huyện Sơn Dương tham quan mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Trần Văn Hưng, thôn Tân Bình, xã Sơn Nam (Sơn Dương).
Con đường Quốc lộ 2C qua xã Sơn Nam những ngày này thêm tấp nập bởi từng đoàn xe nối đuôi nhau chở gia súc, gia cầm của địa phương tỏa đi khắp mọi miền, tạo nên không khí nhộn nhịp hiếm có. Tuy nhiên, để có thành quả đó những người nông dân dám nghĩ, dám làm ở Sơn Nam cũng có biết bao chuyện nhọc nhằn để kể. Trong các câu chuyện với những chủ trang trại ở Sơn Nam tôi đặc biệt ấn tượng với chí làm giàu của anh Phùng Văn Hợp, thôn Ao Xanh. Anh Hợp không phải là chủ trang trại lớn nhất ở Sơn Nam, nhưng lại là ông chủ chăn nuôi lận đận nhất nơi đây. Anh Hợp kể: “Bắt đầu chăn nuôi từ năm 1999, khi ấy vốn ít, mình chỉ nuôi 10 con lợn, rồi lấy lãi lứa này đầu tư thêm con giống, chuồng cho những lứa tiếp theo. Đến năm 2009, đàn lợn của gia đình đã lên đến 40 con. Tuy nhiên, đây cũng là năm dịch bệnh làm cho gia đình anh mất trắng. Cả đàn lợn đang độ lớn 40 kg/con bỗng bị bệnh phổi lăn đùng ra chết… Những con còn sống phải bán rẻ để người ta mang về làm thức ăn cho cá. Vốn liếng 10 năm trời gia đình dồn vào lứa lợn bỗng trắng tay, đẩy gia đình vào cảnh khốn khó. Đó cũng là bài học quan trọng được anh rút ra là không được chủ quan trong phòng chống bệnh khi chăn nuôi”.
Không đầu hàng thất bại, anh quyết định bán máy tuốt lúa, máy cày để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Ngày ấy, dịch vụ cày bừa và tuốt lúa là những công cụ “kiếm cơm” còn lại của gia đình anh sau cơn bão dịch bệnh chăn nuôi. Nhưng anh Hợp vẫn liều bán đi để đầu tư cho chăn nuôi. Cần cù lao động, ham học hỏi, đến nay gia đình anh đã có 11 con lợn nái, trên 100 con lợn thịt; chuồng chăn nuôi được xây dựng kiên cố, có hệ thống quạt gió, thoát nước sạch sẽ, thoáng mát. Mỗi năm gia đình anh xuất cả trăm tấn lợn thịt thu lãi hơn 100 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi, anh Hợp còn nuôi 1 ha ao cá và trồng 2 ha mía.
Chúng tôi đến gia đình ông Trần Ngọc Quang, thôn Tân Bình, người được coi là kỹ tính trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm bậc nhất ở Sơn Nam. Để có trang trại với hơn 5.000 con gà, 50 con lợn thương phẩm và 200 gốc nhãn lồng Hưng Yên như hôm nay, gia đình ông cũng đã trải qua nhiều khó khăn của dịch bệnh. Ông nhớ lại: “Năm 2002 khi dịch cúm gia cầm xảy ra. Nhìn đàn gà gần 300 con phải tiêu hủy mà lòng xót xa”. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh, ngoài việc tiêm phòng định kỳ, mỗi lần xuất chuồng từng lứa gia cầm, ông đều tiêm thuốc tiêu độc khử trùng. Khi thương lái cho xe tải đến thu mua gia cầm ông không cho di chuyển vào khu vực chăn nuôi vì sợ mang theo mầm bệnh. Tôi hỏi ông về việc nhiều người nhận xét mình là ông chủ trang trại khó tính, ông cười đáp: “Đành chấp nhận thôi. Nhưng đổi lại thì hơn 10 năm nay trang trại của mình chưa xảy ra dịch bệnh lớn thì cũng đáng anh ạ!”. Nhờ tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, đến nay mỗi năm trang trại của gia đình ông Quang xuất hơn 20 tấn gia cầm thu lãi trên 300 triệu đồng, chưa kể khoản lãi từ nuôi lợn và 200 gốc nhãn lồng Hưng Yên.
Nghe những câu chuyện thất thu do dịch bệnh của người nông dân, tôi thêm hiểu và thông cảm về việc tại sao những chủ trang trại từ chối không tiếp mình khi đặt vấn đề được vào trang trại tham quan. Không phải họ không hiếu khách, càng không phải ngại phỏng vấn, lên báo mà vì họ sợ dịch bệnh tấn công đàn gia súc, gia cầm. Một cách phòng bệnh rất chính đáng của người chăn nuôi chuyên nghiệp.
Những triệu phú nông dân
Với nỗ lực học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, người nông dân ở Sơn Nam đã đưa sản phẩm vượt qua lũy tre làng, vươn ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả của ngành chăn nuôi đã giúp người nông dân tại các vùng thôn quê nơi đây xây được những ngôi biệt thự khang trang, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt họ có nhiều điều kiện hơn chăm chút cho tương lai con em mình.
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Phùng Văn Hợp, thôn Ao Xanh, xã Sơn Nam, (Sơn Dương).
Từ trung tâm UBND xã Sơn Nam mất gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ghé thăm ông chủ vườn rừng Nguyễn Trọng Hiếu – một trong những mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu của xã Sơn Nam. Vượt qua những năm tháng khó khăn từ ngày khai sơn, phá thạch, đến nay dải núi Bầu thôn Bà Nhà đã được anh phủ màu xanh xa tít tắp đến tận chân trời. Anh Hiếu sinh năm 1977, trong một gia đình nông dân nghèo khó. Bố mất sớm, 1 mình mẹ phải nuôi 3 chị em. Sống trong những ngày tháng “cơm độn sắn không có mà ăn” nên anh thấu hiểu cái đói nghèo. Vì vậy anh luôn đau đáu quyết tâm làm giàu. Năm 2010, sau nhiều năm bươn trải khắp nơi với nghề san ủi mặt bằng, anh quyết định về quê lập nghiệp và bắt tay vào công cuộc chinh phục đồi hoang. Sau 5 năm tâm huyết với rừng, đến nay anh Hiếu đã là ông chủ của hơn 16 ha rừng, dẫn đầu xã về diện tích trồng rừng. Cùng với trồng rừng, anh Hiếu còn đầu tư chăn nuôi gần 1.000 con gà thịt, 50 con lợn rừng; anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi dê, đào ao thả cá rộng 3 ha. Năng động trong chăn nuôi, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường, hiện nay mỗi năm trang trại của gia đình anh Hiếu cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Chỉ tay về phía rừng cây ngút ngàn, anh Hiếu phấn khởi chia sẻ: “Chỉ 2 năm nữa, khi vườn rừng cho thu hoạch, chắc chắn tôi sẽ thu về tiền tỷ”.
Đi qua những con đường bê tông nối liền các thôn với nhau, nhà nhà san sát, tường bao vây kín, chúng tôi đến gia đình anh Trần Văn Hưng, thôn Tân Bình. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là ngôi biệt thự khang trang của gia đình anh. Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình chăn nuôi với cả nghìn con gà đang độ sắp được xuất chuồng, anh Hưng tâm sự: “Hiện tại gia đình nuôi hơn 3.000 con gà. Thực hiện tốt việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, trung bình mỗi năm gia đình xuất 3 lứa gà, mỗi lứa cả nghìn con”. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là gà, anh Hưng còn mở rộng chăn nuôi 30 con lợn nái và hơn 200 con lợn thịt. Hệ thống chuồng chăn nuôi lợn được xây dựng kiên cố, có quạt đảm bảo thoáng mát. Nhờ năng động trong sản xuất, nhạy bén về kinh doanh, tinh thần ham học hỏi cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, đến nay, trang trại của anh Hưng cho thu lãi gần 300 triệu đồng/năm.
Ngoài điểm chung là khát vọng làm giàu chính đáng, những ông chủ trang trại ở Sơn Nam còn có điểm chung là quyết tâm đầu tư cho con em mình học hành đến nơi đến chốn. Nhiều gia đình như gia đình anh Trần Văn Hưng, thôn Tân Bình; gia đình anh Nguyễn Trọng Hiếu, thôn Ba Nhà… đã có con học tại Học viện Nông nghiệp 1 Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội… Họ đều nghĩ, dù sau này học xong con em họ tiếp tục kế nghiệp nông dân, nhưng có học thức thì việc làm giàu cũng sẽ đỡ vất vả, gian nan hơn.
Đồng chí Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, toàn xã Sơn Nam hiện có 10 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận quy mô trang trại. Sơn Nam cũng là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện về số lượng các trang trại. Thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển, những năm qua huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tiếp cận với các cơ chế, chính sách của tỉnh, của Trung ương. Đặc biệt năm 2014, huyện đã thành lập Hội trang trại huyện giúp các hộ chăn nuôi có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trong cái se lạnh của tiết trời những ngày cuối thu, chúng tôi cảm nhận rõ hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt của những nông dân triệu phú ở Sơn Nam. Họ đã và đang mang đến cho miền quê nơi đây những gam màu tươi sáng, tô thắm thêm cho đời những tấm gương nông dân giàu ý chí, nghị lực vươn lên mãnh liệt.