Do hạn chế được các tác nhân gây hại nên rau màu trồng trong nhà lưới cho năng suất chất lượng cao hơn hẳn so với trồng theo phương pháp truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, mô hình nhà lưới nhanh chóng phát triển do có sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khoa học công nghệ, kinh phí khuyến nông và do các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư. Nhà lưới được thiết kế đơn giản gồm phần khung cột và phần lưới phủ kín xung quanh giúp hạn chế tác động của nắng nóng, mưa nặng hạt, gió mạnh, sương muối và ngăn ngừa được các loại côn trùng phá hoại rau màu.
Nhờ hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của thiên nhiên, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã góp phần đảm bảo năng suất chất lượng hoa màu
Khởi nguồn mô hình trồng cây trong nhà lưới được xây dựng phục vụ công tác nghiên cứu và triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ mới vào canh tác. Trong đó nhiều mô hình có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật thiết kế đảm bảo như nhà lưới trồng khoai tây khí canh, chuối tiêu hồng, lan hồ điệp, lan denzo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KH và CN); mô hình nhà lưới rộng 2ha sản xuất khoai tây giống của Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN và PTNT)…
Ưu điểm của mô hình này là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên lên cây trồng, đặc biệt là khi thời tiết quá khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm hay thiên địch phát sinh, giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh mà ít cần đến các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Phương thức sản xuất này đang phát triển mạnh tại khắp các địa phương trong tỉnh và đã khẳng định hiệu quả, mở ra một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh.
Do hạn chế được những tác nhân gây hại nên rau màu trồng trong nhà lưới cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn với rau màu trồng theo phương pháp truyền thống. Chi phí nhân công chăm bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm nhiều. Sản phẩm rau màu đảm bảo được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt do điều chỉnh được một phần nhiệt độ trong nhà lưới nên nhiều loại cây trồng khó tính, cây trái vụ đã sinh trưởng phát triển tốt trong môi trường này, giúp người dân có nhiều cơ hội đa dạng hóa cây trồng phù hợp với yêu cầu thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Chi phí đầu tư cho mô hình nhà lưới khoảng từ 90- 170 nghìn đồng/m2 tùy vào chất lượng nguyên vật liệu.
Ông Đoan Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng địa phương cho biết: Mô hình nhà lưới đã đáp ứng được các chỉ tiêu về môi trường, độ ẩm, ánh sáng trong quy trình nghiên cứu, thực nghiệm nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, giúp cho tỉnh ta sản xuất thành công được một số cây trồng phục vụ sản xuất. Từ các mô hình phục vụ công tác nghiên cứu, thực nghiệm, nhà lưới đã được nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh áp dụng vào sản xuất rau màu thương phẩm. Xã Thành Lợi (Vụ Bản) là vùng trồng rau màu truyền thống nổi tiếng ngay khi được giới thiệu về mô hình nhà lưới nhiều hộ dân trong xã đã quyết định đầu tư ứng dụng cho việc sản xuất của mình.
Đến nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 10 hộ trồng rau màu trong nhà lưới, lắp đặt thiết bị tưới nước công nghệ cao phục vụ sản xuất. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Tài Tư, Phạm Văn Quý, xóm B, là những hộ tiên phong đầu tư công nghệ sản xuất rau trong nhà lưới. Với mức đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, các hộ gia đình trên đã xây dựng được 500m2 nhà lưới và hệ thống đầu vòi phun đa năng theo cách tưới phun mưa cho cây mới trồng, tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng trưởng thành đã đến thời điểm cho thu hoạch và điều chỉnh độ cao, thấp của ống nước để chủ động điều tiết nước theo nhu cầu của cây trồng.
Ngoài các hộ dân ở xã Thành Lợi, nhiều hộ dân khác ở Nam Phong, Nam Vân (TP Nam Định), Yên Cường (Ý Yên), Mỹ Tân, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Giao Phong (Giao Thủy)… cũng đã áp dụng giải pháp kỹ thuật này vào trồng rau màu, cây có múi, hoa và nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với phương thức canh tác này, các hộ dân có thể tăng được số vòng quay thời vụ trên một diện tích đất canh tác, luân canh trồng các loại rau màu trái vụ, rau màu với năng suất chất lượng cao; tiết kiệm 50% lượng nước tưới, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết cũng như chủ động cung ứng sản phẩm theo nhu cầu thị trường nên hiệu quả kinh tế tăng lên gấp 4 – 5 lần so với canh tác theo phương pháp truyền thống.
Nguồn: sưu tầm