Vĩnh Phúc đang tập trung đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để tìm hướng đi cho bài toán năng suất chất lượng ngành nông nghiệp.
Mô hình sản xuất cây giống cho năng suất chất lượng cao ở Vĩnh Phúc
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cung cấp cho thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá trị sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc hiện chiếm tỷ trọng thấp, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng thấp và không được bảo đảm an toàn bởi phân bón và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Việc sản xuất chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, chưa có nhiều mô hình sản xuất quy mô theo hướng phát triển bền vững cũng là trở ngại không nhỏ. Diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp tập trung ngày càng hạn hẹp. Ngoài ra, mối liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và công nghiệp chế biến chưa được chú ý đúng mức…
Những hạn chế nêu trên đặt ra cho tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có định hướng chiến lược về tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ cao. Nắm bắt yêu cầu nâng cao năng suất chất lượng ngành nông nghiệp, từ năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án và triển khai thí điểm một số mô hình tại huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo và TP Vĩnh Yên… Thực tế cho thấy, số mô hình thí điểm áp dụng khoa học công nghệ cao đã phát huy giá trị, mang lại hiệu quả rõ rệt khi so sánh với phương pháp sản xuất truyền thống. Ngoài năng suất, giá trị, ưu điểm lớn nhất của sản phẩm áp dụng khoa học công nghệ là bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ biến đổi gen vào sản xuất. Đây được coi là hướng đi đúng khi mà diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn. Từ hiệu quả của những mô hình thử nghiệm, bước đầu trên địa bàn cho thấy việc nhân rộng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao là cần thiết. Điều đó đặt ra những yêu cầu đối với các nhà quản lý về quy hoạch vùng sản xuất cũng như mối liên kết tiêu thụ, tạo thị trường ổn định cho sản phẩm.
Theo bà Trần Thị Hảo, cán bộ Phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc), dự án hỗ trợ mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao có tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng, được thực hiện trong hai năm 2014 – 2015. Ban đầu Dự án xây dựng 18 mô hình sản xuất nông nghiệp tại các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo và TP Vĩnh Yên đã cho hiệu quả khả quan. Đánh giá ban đầu cho thấy, Dự án là tiền đề để tạo môi trường tốt phát triển các giống cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất của các vi sinh vật, côn trùng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây bệnh. Ngoài ra, ứng dụng mô hình sẽ tạo tiền đề quan trọng trong tiến trình chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Một trong những tín hiệu lạc quan đối với việc trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Vĩnh Phúc là sự góp sức của Tập đoàn VinGroup trong lĩnh vực này. Mới đây, VinGroup đã khởi công lắp đặt và xây dựng nhà kính đầu tiên mang tên VinECO để sản xuất các sản phẩm nông sản sạch sử dụng công nghệ của Israel trên diện tích hơn 24 ha tại Tam Đảo. Đây là bước đi đầu tiên trong mục tiêu chiếm lĩnh thị trường rau sạch của tập đoàn này trước khi nhân rộng tại một số địa phương khác.
Nguồn: sưu tầm