Mô hình vườn – ao – chuồng – rừng của anh Bồ Xuân Tân, thôn 3B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho năng suất và thu nhập cao.
Theo bà Phạm Thị Thủy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, đến xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, không ai là không biết đến anh Bồ Xuân Tân, thôn 3B – một trong những gương điển hình về thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn xã.
Anh Tân chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng được bố, mẹ đầu tư cho đi học sư phạm và đã có công ăn việc làm ổn định. Nhưng vào thời điểm đó đồng lương nhà nước rất thấp không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó đất đai ở nhà thì nhiều, nhà neo người, bố mẹ lại tuổi cao, các anh chị đã đi xây dựng gia đình nên diện tích đất rừng rộng hơn 27 ha của gia đình anh không được đầu tư thâm canh, chưa lựa chọn được các loài cây phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao”. Bằng ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo và biết dựa vào lợi thế sẵn có là đất đai của gia đình, anh quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng trang trại.
Bước đầu, anh khai thác toàn bộ diện tích rừng hiện có của gia đình cho thu về hơn 700 triệu đồng. Qua tham khảo trên sách báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, anh nhận thấy, phát triển rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu biết đầu tư thâm canh, lại không tốn nhiều công chăm sóc như các cây trồng khác nên anh tiếp tục dùng số tiền thu được đầu tư làm đường lên các diện tích đồi rừng xa nhà, đồng thời tiếp tục tái sản xuất trồng mới diện tích rừng đã thu hoạch.
Để sử dụng diện tích đất rừng có hiệu quả, anh đã đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tìm những cách làm hay để áp dụng vào phát triển kinh tế của gia đình. Anh lựa chọn những cây có giá trị kinh tế vào trồng như: keo, quế, bạch đàn…. Nhờ áp dụng linh hoạt các tiến bộ kỹ thuật học được qua các lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông nên rừng trồng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển xanh tốt.
Không chỉ dừng lại ở phát triển đồi rừng, với hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa không hiệu quả anh quyết tâm cải tạo đào ao thả cá với 2 loại cá chính là cá rô đường nghiệp và cá chép lai. Đây là giống cá mang lại hiệu quả năng suất cao và kỹ thuật nuôi đòi hỏi không quá khó, thị trường tiêu thụ rộng. Chỉ tính riêng năm 2014, gia đình anh xuất bán hơn 7 tấn cá các loại thu về hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng.
Lớp tập huấn “Kỹ thuật trồng thâm canh rừng kinh tế” tham quan trang trại của anh Bồ Xuân Tân (thứ 2 từ phải sang)
Xác định phát triển làm kinh tế trang trại theo mô hình khép kín, không để lãng phí diện tích đất đai, anh tiến hành đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn theo quy mô hàng hóa. Vừa đầu tư xây dựng chuồng trại, vừa chịu khó tham khảo các tài liệu, học tập kinh nghiệm nuôi lợn thịt và lợn nái đẻ để áp dụng vào sản xuất của gia đình. Để chủ động con giống, anh đầu tư 5 nái đẻ lai ngoại cũng đủ cung cấp nguồn con giống cho gia đình anh mỗi năm. Với hệ thống chuồng khép kín, có hệ thống nước vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống tiện lợi và khu vực xử lý chất thải tách biệt, cộng với việc áp dụng các kiến thức đã được học qua các lớp tập huấn và chủ động tiêm phòng nên đàn lợn nhà anh luôn phát triển khỏe mạnh, ít gặp dịch bệnh. Mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 100 con lợn thịt thu về 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 50 triệu đồng.
Anh Tân chia sẻ: “Trên diện tích rừng của gia đình, hiện tôi đang đưa một số giống cây năng suất cao vào trồng như: keo lai, keo úc… Với 27 ha rừng các loại của gia đình, dự kiến đến năm 2018 sẽ thu hoạch và đem lại nguồn thu gần 3 tỷ đồng. Với số tiền này tôi sẽ tiếp tục tái đầu tư sản xuất và mở rộng quy mô ở chu kỳ tiếp theo. Ngoài ra tôi đang nuôi thử nghiệm 100 con cá giống lăng vàng, đây là giống cá có thịt thơm ngon và bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao. Nếu thành công sẽ hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.”
Không chỉ có vậy, gia đình anh còn trồng hơn 200 gốc thanh long (đỏ và trắng), hàng năm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh trên 20 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, tổng thu nhập của gia đình anh được gần 400 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí cho lãi gần 200 triệu đồng. Như vậy, mô hình VACR đã mang lại năng suất cây trồng, vật nuôi và thu nhập rất cao cho gia đình anh Tân.
Nguồn: sưu tầm