Ban Quản lý dự án RADCC phối hợp với Tổ chức Oxfam và Chi cục Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội thảo “Kết nối giữa người chăn nuôi dê và nhà thu mua”, tại các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Từ đầu năm 2014 đến nay, dự án RADCC và tổ chức Oxfam đã trao 1.725 con dê sinh sản, tổng kinh phí gần 7,2 tỷ đồng cho 1.623 hộ nghèo trong 15 xã ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dân trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Hội thảo là các cuộc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà tài trợ, các hộ thu mua và người chăn nuôi dê để giải quyết khó khăn, nhằm tạo mối liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân chăn nuôi hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Một hộ dân nhận dê từ dự án.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – điều phối viên của Tổ chức Oxfam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích thực trạng chăn nuôi dê hiện nay, về thị trường tiêu thụ sản phẩm dê, về vị trí và điều kiện của mặt hàng dê trong cạnh tranh với các đối thủ đến từ Úc và Trung Quốc và một vài quốc gia khác trên thế giới. Theo bà Hiền, đàn dê của Bến Tre phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay, hiện đã trên 26 ngàn con nhưng trong đó chưa tới 2% có tham gia trong các chuỗi giá trị. Đây là một thực trạng cần phải thay đổi nhanh chóng mới có thể cạnh tranh nổi với sản phẩm dê có giá thành rẻ hơn đến 13 ngàn đồng/kg từ Úc. Đại diện các bên tham gia hội thảo đã thẳng thắn đối thoại trên tinh thần xây dựng, các ý kiến đều đồng tình ủng hộ việc tham gia trong các chuỗi giá trị sản xuất.
Tính đến nay, nhiều hộ dân nghèo vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã thoát nghèo, một phần cũng nhờ chăn nuôi dê. Gia đình chị Trần Thị Thảo (xã Bảo Thạnh, Ba Tri), từ con dê giống của dự án, bán được 3 con thu gần 10 triệu đồng, hiện còn lại 5 con. Chị còn được hướng dẫn kỹ thuật ủ phân dê hữu cơ để bón cho cây trồng, mang lại hiệu quả cao… Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án, đến nay, có trên 60% số hộ chăn nuôi đạt hiệu quả và nhiều hộ đã thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thượng – Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, vấn đề lớn nhất dẫn đến việc chưa đạt hiệu quả đồng bộ xuất phát từ tâm lý của một số hộ dân còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, chính quyền một số xã chưa quan tâm lắm dẫn đến nhiều hộ dân lúng túng khi gặp khó khăn. Chính quyền quan tâm là một yếu tố rất quan trọng để có thể giúp người chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã hay chuỗi giá trị bền vững và điều này cần phải thực hiện trong tương lai gần.