Ngoài bệnh thối đốt đang phát sinh phá hại, cây bí xanh vụ thu đông còn gặp một loại bệnh khác. Tuy chưa phổ biến, nhưng cũng đòi hỏi người trồng bí cần nhận diện được triệu trứng, đặc điểm phát sinh phá hại cùng đối tượng gây nên và có công tác phòng trừ tốt nhằm tránh thiệt hại.
Nguyên nhân
Khi bị bệnh, cây bí không chết hẳn; bà con nông dân, nhất là những người mới trồng vụ đầu rất hoang mang, không xử lý tiêu hủy mà phun đủ các loại thuốc nhưng không khỏi, dẫn tới chi phí sản xuất tăng, hiệu quả thu nhập thấp.
Triệu chứng bệnh
Lúc đầu trên các lá bánh tẻ và lá non có những vết đốm, loang màu vàng nhạt xen với các đốm màu xanh đặc trưng của lá đó, tạo thành những vết khảm đốm. Mặt lá hơi co, tốc độ sinh trưởng của cây chậm lại. Về sau bị nặng thì các lá trở lên dày bịch và thô, mặt lá gồ ghề co dúm, ngọn chùn lại và gần như ngừng bò, ngừng phát hoa. Có cây không bò, ngọn ngóc lên trời, thân to sụ, nách lá phát nhánh nhưng không dài ra được. Kiểm tra mặt dưới lá bằng kính lúp thì không thấy có nhện hại. Những người đã từng gặp ở các vụ trước thì gọi là: “Bệnh hủi cây bí xanh”.
Đặc điểm phát sinh
Phá hại và đối tượng gây nên: Bệnh phát sinh từ giai đoạn cây bí ngả ngọn bò đến sau khi phát hoa đầu. Tập trung nhiều trên địa bàn chuyên thu hoạch lúa mùa sớm bị muộn (sau 25 tháng 9) và trồng bí ngay đến đầu tháng 10. Ở vụ bí thu đông năm trước, tuy mức độ bị hại giữa các cây có khác nhau nhưng lại giống nhau ở chỗ: không cây nào được sống trở lại bình thường và cho thu hoạch. Chúng tôi cho rằng đối tượng gây hại là một loại virus được xâm nhập vào cây bí bằng nhiều con đường nhưng chủ yếu vẫn là thông qua nhóm chích hút như: bọ rầy, bọ trĩ… Nhóm này từ các ruộng lúa vừa được thu hoạch đã di trú sang ruộng bí để tiếp tục chích hút. Trong quá trình này đã truyền virus từ nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng hoặc từ cây bí đã mang bệnh sang cây khỏe.
Công tác phòng trừ
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phun trừ virus trên cây bệnh mà chủ yếu vẫn là công tác phòng, ngăn ngừa môi giới truyền bệnh và hạn chế lây lan. Trước tình thế này, chúng tôi khuyến cáo các địa phương có diện tích bí trồng muộn cần đẩy mạnh việc áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp thông qua tuyên truyền và bằng việc làm thiết thực. Đó là:
– Cần phối hợp kịp thời với các cơ quan Khuyến nông và Bảo vệ thực vật trên địa bàn để tổ chức, tập hợp nông dân cùng hội thảo đầu bờ.
– Không để ruộng khô hạn, theo kinh nghiệm của những lão nông – chuyên gia về cây bí thì: cây bí tuy sợ ngập úng nhưng lại rất thèm nước, độ ẩm đất trong ruộng bí luôn đạt khoảng 80% độ ẩm đồng ruộng (bốc đất ve trên tay, đất thành hình con giun là được).
– Thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện kịp thời và đánh dấu theo dõi chặt chẽ những cây có triệu chứng bệnh. Nếu đúng thì cần nhổ bỏ và thực hiện tiêu hủy nguồn bệnh nhằm hạn chế lây lan.
– Tiếp tục tưới thúc đủ phân và cân đối theo quy trình để cây bí đủ dinh dưỡng, khỏe mạnh, tiếp tục sinh trưởng phát triển tốt.
– Trong quá trình phun phòng trừ các loại nấm bệnh khác thì cần kết hợp phun thêm loại thuốc có tính thấm sâu và lưu dẫn mạnh như Actara 25WG, nồng độ pha cần theo hướng dẫn trên bao bì.
Chú ý: phun vào chiều mát không mưa và thực hiện phun đẫm, đều cho từng bộ phận cây bí.
Nguồn: sưu tầm