Cá chim trắng

Cá chim trắng nước ngọt, có tên khoa học là Colossoma brachypomum, thuộc BộCharaciformes, Họ Characidae.

Cá chim trắng - ca chim trang 500x323

Trong khi đó cá hổ hay còn gọi là cá cọp hoặc cá Piranha có tên khoa học là Pygocentrus praya cũng thuộc bộ Characiformes, họ Characidae nhưng khác giống và khác loài. Cá cọp là loài cá dữ, ăn động vật, đã bị Bộ Thuỷ sản xác định là loài cá gây hại khi chúng được nhập lậu vào Việt Nam năm 1998 và đã bị nghiêm cấm nhập khẩu và gây nuôi.

Đặc điểm sinh học của cá chim trắng nước ngọt

Cá chim trắng nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ năm 1998. Ðến năm 2000, việc cho sinh sản nhân tạo cá theo quy trình công nghệ sản xuất giống cá của Trung Quốc đã thành công. Cá sống trong môi trường nước có nhiệt độ từ 21 – 32 0C, nhưng thích hợp trong khoảng từ 28 – 300C. Cá chim trắng nước ngọt chịu nhiệt độ thấp tương đối kém, dưới 10oC có biểu hiện không bình thường và chết, lúc này cá giống rất dễ mắc bệnh trùng quả dưa, trùng bánh xe, nấm. Cá chim có thể sống bình thường ở độ mặn dưới 5 – 10, cá chết ở độ mặn 15. Cá có thể sống ở trong các thủy vực chật hẹp như ao, hồ, đầm. với độ pH từ 5,6 – 7,4. Cá có tập tính sống tập trung thành bầy đàn và di chuyển theo bầy.

Về đặc điểm hình thái, cá có đường kính mắt bằng 1/4,5 chiều dài đầu. Răng có hai hàm, hàm trên và hàm dưới. Hàm trên có hai hàng răng, hàng ngoài có 10 răng, hàm trong có 4 răng. Hàm dưới cũng có hai hàng răng, hàng ngoài có 14 răng với 6 răng lớn và 8 răng nhỏ, hàng trong có 2 răng. Mặt răng có dạng răng cưa. Số lược mang của cung mang thứ nhất: 30-36. Số vẩy đường bên: 81-98. Số vẩy trên đường bên: 31-33. Số vẩy dưới đường bên: 28-31. Tia vây không có gai cứng. Số vây lưng: 18-19. Số vây ngực: 14 (có 13 tia phân nhánh, 1 không phân nhánh). Số vây bụng: 8 (7 tia phân nhánh, 1 không phân nhánh). Số vây hậu môn: 26 (24 tia phân nhánh, 2 tia cứng không phân nhánh).

Các vây bụng và vây hậu môn của cá có màu đỏ. Vây đuôi có điểm vân đen ở diềm đuôi. Cá có khả năng biến đổi màu sắc theo môi trường sống. Dạ dày của cá tương đối to, có hình chữ U. Chiều dài của ruột bằng 2,5 chiều dài thân. Xung quanh ruột và nội tạng có nhiều mỡ.

Cá chim trắng nước ngọt là loài cá ăn tạp. Chúng có thể ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, động vật như thực vật thủy sinh, tôm, cá con, các loài nhuyễn thể. Cá rất tích cực bắt mồi, nuốt rất nhanh. Thức ăn trong dạ dày của mẫu cá thu được trong ao chủ yếu là chất xơ thực vật, hạt ngũ cốc, lúa.

Ở sông Amazôn, Braxin, cá chim trắng nước ngọt thành thục khi được 32 tháng tuổi và có thể sinh sản tự nhiên. Tuy nhiên, cá chim trắng nuôi trong ao không đẻ tự nhiên được mà cần phải có kích dục tố cho sinh sản nhân tạo. Ðiều này đã được kiểm chứng ở một số nước phát triển nghề nuôi cá chim trắng nước ngọt như Trung Quốc, Ðài Loan, Thái Lan và cả ở Việt Nam.

So với một số loài cá khác, cá chim trắng nước ngọt lớn rất nhanh. Trung bình, cá có thể tăng trọng 100 g/tháng. Trong điều kiện thích hợp, sau 6 đến 7 tháng nuôi, cá có thể đạt từ 1,2 – 2 kg/con. Cá có thể sống đến 10 năm tuổi.

Qua kết quả khảo sát và nghiên cứu mẫu cá thu được trong ao nuôi tại xã Ðắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai, chúng ta có thể đi đến kết luận sau :

– Mẫu cá thu được tại xã Ðắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai là loài cá chim trắng nước ngọt, có tên khoa học là Colossoma brachypomum. Chúng không phải là loài cá hổ, hoặc cá cọp.

– Cho đến nay, chưa ai bắt gặp loài cá này ngoài thủy vực tự nhiên.

– Cá chim trắng nước ngọt là loài nhập nội, hiện đang được nuôi thử nghiệm, có kiểm soát trong quá trình nuôi.

Tuy nhiên, do tập tính ăn tạp, phàm ăn, săn mồi theo bầy, việc nuôi khảo nghiệm, hoặc nuôi thương phẩm loài cá này chỉ nên giới hạn ở những vùng được xem là an toàn, có điều kiện che chắn (đê bao, đăng, lưới.). Không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi và những vùng nhạy cảm về sinh thái.

Nguồn: vietlinh.vn

Thảo luận cho bài: Cá chim trắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *