Với chi phí rẻ lại an toàn, nước rửa bát tự chế làm từ thảo đang trở thành một xu hướng lựa chọn của các bà nội trợ.
Trào lưu tự chế nước rửa bát đang thu hút nhiều sự quan tâm của các bà nội trợ
Bà nội trợ ‘phát sốt’ vì nước rửa bát tự chế
Trên mạng xã hội, nhiều chị em truyền tai nhau cách làm nước rửa bát tại nhà bằng thảo dược không hóa chất. Theo đó, tự chế nước rửa bát trở thành trào lưu của không ít gia đình. Dịch vụ bán nước rửa bát tự làm cũng vì thế cũng thu hút được nhiều khách quan tâm hơn.
Chũ Vũ Ngọc Thủy (Đội Cấn- HN), kinh doanh nước rửa bát tự làm bằng thảo dược cho biết: “Nước rửa bát là thứ không thể thiếu trong mỗi căn bếp, nó được sử dụng thường xuyên và liên quan đến sức khỏe mỗi ngày. Nhưng hầu hết mọi người đều dễ dãi khi chọn mua nước rửa bát, mua loại nào cũng được không quan trọng dù biết nó chứa toàn hóa chất, để lại mùi trên bát đĩa sau khi rửa. Vì thế tôi đã nghiên cứu tự làm nước rửa bát từ nguyên liệu thiên nhiên, trước là dùng cho gia đình, sau là bán cho ai có nhu cầu”.
Theo tiết lộ của chị Thủy, sản phẩm nước rửa bát tự làm của chị bán khá chạy, tuy nhiên có một hạn chế của sản phẩm khiến cho người dùng e dè nhất đó là laoị nước rửa này ít bọt, sử dụng tốn hơn nên giá thành tính ra chênh hơn các loại nước rửa bát thông thường trên thị trường.
” Với nhiều người giá tiền không phải vấn đề quan trọng mà là sức khỏe”, chị Thủy nói. Mỗi chai nước rửa bát chị Thủy bán hiện nay có giá 100.000 đồng/ 500ml, đắt hơn nhiều nước rửa bát thông thường nhưng vãn được rất nhiều người chọn mua.
Chia sẻ trên diễn đàn Eva, cách làm nước rửa bát từ nguyên liệu thiên nhiên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bà nội trợ. Theo kinh nghiêm của những người đã thực hiện thành công cách làm loại nước rủa bát không hóa chất này thì có 5 loại nước rửa bát được ưa thích nhất hiện nay là: Nước rửa bát được làm từ vỏ cam; Nước rửa bát từ bồ kết, sả, vỏ bưởi; Nước rửa bát từ cám gạo: Nước rửa bát từ bột mì, Nước rửa bát từ quất …
Theo các bà nội trợ, các loại nước rửa bát này có khả năng tẩy rửa dầu mỡ, vết ố trà và cà phê trên bát đĩa rất nhanh do vỏ cam chứa nhiều loại tinh dầu. Mùi thơm của vỏ cam còn giúp bà nội trợ thư giãn, giảm stress, khi rửa chén bát đều sạch dầu mỡ, khô ráo và có khả năng tẩy sạch vết ố của trà, cà phê trên cả đồ sứ và đồ nhựa mà không để lại mùi tanh khó chịu.
Dùng nước rửa bát thảo dược thế nào để an toàn?
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia tài chính Hải Hà cho rằng, nước rửa bát thông thường chứa rất nhiều chất tẩy rửa, cơ chế chung là sử dụng các hóa chất tách cáu bẩn ra khỏi đồ dùng, từ đó làm sạch dầu mỡ bám trên bề mặt bát đĩa. Mỗi nhà, mỗi ngày đều phải sử dụng thường xuyên nước rửa bát để làm sạch đồ dùng nhà bếp.
Thế nhưng ít người biết rằng, nước rửa bát hoàn toàn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây độc hại với sức khỏe nếu không tráng rửa đồ dùng thật sạch hoặc có thể ảnh hưởng không tốt tới da tay của người dùng. Những hóa chất còn lưu lại trên bát đĩa mỗi ngày sẽ nạp vào cơ thể chúng ta qua đường tiêu hóa. Do đó, theo lời khuyên của các chuyên gia nên lựa chọn nước rửa bát có nguồn gốc tự nhiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Hiệu quả kinh tế không cao nhưng nước rửa bát tự làm từ thiên nhiên vẫn được lòng người dùng vì an toàn, không hóa chất
Nước rửa bát hữu cơ có đến 95% thành phần là các thảo dược và tinh dầu tự nhiên như trà xanh, oải hương, bạc hà, hương sả, bồ kết, cam… nên ít độc hại. Trên thị trường, hầu hết các sản phẩm nước rửa bát hữu cơ đều là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Pháp… có giá khá cao, khoảng 100.000đ/500ml.
Nước rửa bát hữu cơ tạo rất ít bọt khi rửa nên cho cảm giác không “sạch mấy” khiến bà nội trợ dùng nhiều và tốn kém. Người tiêu dùng có thể tham khảo một số thương hiệu của Việt Nam có giá thành rẻ hơn và được Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm như Greenlife (tinh dầu bồ hòn và bồ kết, giá 21.000đ/500ml), Layer Clean (tinh chất lá chè, giá 28.500đ/800ml).
Trên thị trường, một số loại nước rửa bát chỉ bổ sung một vài chiết xuất từ thảo dược cũng tự nhận là sản phẩm hữu cơ. Để chọn được sản phẩm tẩy rửa hữu cơ thật sự, các bà nội trợ hãy tìm dấu chứng nhận hữu cơ của các tổ chức uy tín như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia USDA, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế… hoặc đọc trên nhãn mác của sản phẩm xem ghi bao nhiêu phần là hữu cơ và bao nhiêu phần là hóa chất tổng hợp.
Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm Nguyễn Văn Thịnh (Viện Côing nghệ thực phảm – ĐH Bách Khoa Hà Nội), nước rửa bát hóa học được pha trộn nhiều loại hóa chất, những sản phẩm này nếu chưa qua kiểm nghiệm khi vào cơ thể người sẽ có tác động xấu tới dạ dày, ăn mòn miệng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, viêm da, ung thư da, gây ra các bệnh về đường hô hấp…
“Vì vậy, khi mua nước rửa chén bát, người tiêu dùng nên đọc kĩ thành phần và không lựa chọn những sản phẩm có 11 loại hoá chất siêu độc hại sau đây: 1,4 dioxane (giảm kích ứng da, có thể gây ung thư); phosphate (hương liệu thực phẩm); triclosan (chất sát khuẩn); SLS (Natri Lauryl Sulfate)/ SLES (Sodium Laureth Sulfate) là chất hoạt động bề mặt và thuốc tẩy; nước hoa; DEA (Diethanolamine), MEA (Monoethanolamie), TEA (triethanolamie) là các chất tạo bọt, giúp hòa tan các thành phần trong sản phẩm; thuốc nhuộm; APE (ethanols phenoxy alkyl); clo; formaldehyde (tạp chất tạo ra từ chất bảo quản hóa học); amonia”.
Ông Thịnh cho biết, nhìn chung tất cả sản phẩm tẩy rửa đều có hóa chất độc hại nhưng nếu so ra thì các sản phẩm tẩy rửa trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc cho con người hơn. Lý do là các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng nên có thể chứa chất độc hại không được phép sử dụng. Hơn nữa do được pha chế tùy tiện nên trong quá trình “cộng gộp” các chất với nhau có thể dẫn đến nhiều phản ứng hóa học phát sinh các độc tố khác.
“Nhiều người nghĩ rằng tác hại của hóa chất chỉ khiến da tay khô ráp hơn. Song một số nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy, các chất độc hại trong dung dịch tẩy rửa có thể thẩm thấu qua da, xâm nhập vào cơ thế qua đường tiêu hóa, hô hấp. Hệ quả là làm da mỏng đi, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến ung thư da và một số bệnh nguy hiểm khác. Do đó, tốt nhất nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên hoặc tẩy rửa ở nhiệt độ cao, vừa tăng hiệu quả làm sạch vừa an toàn cho sức khỏe con người”, chuyên gia công nghệ thực phẩm cảnh báo.
Nguồn: sưu tầm