Cách phòng chống dịch lở mồm, long móng

Lở mồm long móng (LMLM) là một loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên gia súc móng guốc chẵn như lợn, bò, trâu, hươu, dê… Bệnh này rất nguy hiểm vì có thể lây lan rất nhanh qua nhiều con đường khác nhau. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế Thế giới xếp bệnh LMLM đứng đầu các bệnh truyền nhiễm của động vật.

Triệu chứng

Có mụn nước phát triển ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi, vành mũi, kẽ móng chân, đầu vú; sau đó mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm, long móng. Bệnh ở thể ác tính và  con vật sẽ chết sau khoảng 5 – 7 ngày. Với gia súc non khi nhiễm bệnh dễ bị khó thở, loạn nhịp tim và chết.

Có 7 type virus gây bệnh LMLM, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ phát hiện bởi 3 type A, O và Asia1. Virus này có sức đề kháng yếu với môi trường bên ngoài, với các thuốc sát trùng thông thường, nhưng có thể tồn tại hơn một năm ở chuồng nuôi, 10 – 12 tuần ở quần áo và thức ăn gia súc, hơn một tháng ở lông. Ngay cả gia súc khỏi bệnh vẫn mang trùng tới bốn tháng đối với dê, chín tháng đối với cừu, bốn tuần đối với lợn, còn trâu bò là 3 – 5 năm.

Phòng dịch

Vaccine là một trong những công cụ quan trọng để phòng bệnh LMLM. Đặc biệt là những vùng đã từng xảy ra dịch bệnh, vùng khống chế, vùng đệm. Những vùng an toàn dịch bệnh có thể không cần tiêm phòng. Tiêm phòng vaccine LMLM cho trâu bò, lợn, dê lần 1 cho gia súc từ 2 tuần tuổi trở lên, sau 28 ngày tiêm nhắc lại lần 2, sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

Cách phòng chống dịch lở mồm, long móng - z300 Nguoi chan nuoi 502

Bệnh lở mồm, long móng ở gia súc rất dễ lây lan ra cả đàn – Ảnh: CTV

Thực hiện tốt vệ sinh thú y, giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng. Cách ly triệt để gia súc ốm, không chăn thả tập trung; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển,… thực hiện tiêu độc, khử trùng trang trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, nhất là khu vực có gia súc nghi mắc bệnh, bị ốm, chết bằng một số loại hóa chất như: sữa vôi 10 – 20%, Chlorur vôi 4 – 20%; Formol 2 – 5%, NaOH 4 – 5%, Cresol 0,5 – 3%, Cresyl 3 – 5%, Axit phenic 2 – 5%.

Mua giống ở những vùng an toàn dịch, con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM, trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Thực hiện phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Chống dịch

Đến nay bệnh LMLM chưa có thuốc trị đặc hiệu mà chỉ chữa triệu trứng. Vì vậy, người nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi để phát hiện và xử lý bệnh trong giai đoạn sớm. Khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt có mụn nước ở vùng miệng, báo ngay cho thú y để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp. Dùng xanh Methylen 1%, thuốc tím 1%, Formol 1%, phèn chua 3%, axit acetic 3% hoặc dùng thuốc mỡ Tetracilin, Penicilin bôi vào vết thương quanh miệng. Rửa sạch chân gia súc bằng nước muối, nước lá chát, hoặc thuốc tím, phèn chua, dấm ăn; sau đó bôi các chất sát trùng hút mủ, nhanh lên da non lên vùng móng bị bệnh.

Cùng với điều trị bệnh, tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại, vật dụng, môi trường xung quanh khu vực có gia súc bị bệnh. Với hộ có dịch cần phun hóa chất 1 ngày/lần, xã có dịch phun 2 ngày/lần, thực hiện trong suốt thời gian có dịch. Đồng thời nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực. Vệ sinh môi trường, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ. Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng như xanh Methylen, cồn iod hoặc nước chanh, khế, tiêm kháng sinh để chống bội nhiễm.

Đối với vùng lần đầu tiên phát hiện có dịch, diện dịch hẹp hoặc mắc bệnh do virus type mới gây ra, thì biện pháp hiệu quả nhất là tiêu hủy toàn bộ gia súc nhiễm bệnh, để nhanh chóng dập tắt ổ dịch.

Không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường, cách ly riêng những con có dấu hiệu bị bệnh, tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng chữa trị. 

Tiêm phòng vaccine bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học không làm lây lan dịch.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cách phòng chống dịch lở mồm, long móng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *