Nội dung chính
Để đảm bảo năng suất và chất lượng trái thanh long ngon, sạch và an toàn nông dân cần chú ý quản lý tốt dịch hại trên thanh long mà phổ biến là bệnh thán thư và ruồi đục trái.
Cây thanh long đang được trồng phổ biến ở các tỉnh phía nam và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu. Vì thế diện tích trồng thanh long không ngừng phát triển. Mặc dù thanh long là loại cây tương đối ít sâu bệnh, song để đảm bảo năng suất và chất lượng trái thanh long ngon, sạch và an toàn nông dân cần chú ý quản lý tốt dịch hại trên thanh long mà phổ biến là bệnh thán thư và ruồi đục trái.
1. Bệnh thán thư
a) Tác nhân gây bệnh
Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên đọt, hoa và trái, đôi khi trên cành cũng bị nấm tấn công. Trên cành vết bệnh bắt đầu từ mép cành lan dần vào bên trong. Vết bệnh dạng gần tròn hay bất định. Khi nấm tấn công vào cành làm cho cành thối mềm có màu vàng sáng, sau 1 thời gian ngắn chuyển sang màu nâu, vết thối từ phần ngọn vào trong. Trên hoa, nấm tạo thành những đốm đen nhỏ làm hoa bị thâm đen và rụng. Trên trái, vết bệnh là những đốm tròn hoặc gần tròn, có tâm màu nâu đỏ, lõm xuống, xung quanh có những vòng đồng tâm nâu sậm, sau đó phát triển nhanh thành những mãng thối lõm vào vỏ. Bệnh còn tấn công trên trái sau khi đã thu hoạch làm thối trái, gây thất thoát rất lớn trong quá trình vận chuyển, tồn trữ. Nấm bệnh lan truyền trong gió, nước, con người đi lại chăm sóc. Điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ, nhiệt độ cao thì bệnh càng dễ phát triển, lây lan nhanh.
b) Biện pháp phòng trừ
– Dọn dẹp cỏ và các dây leo hoang dại chung quanh vườn thanh long, cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh;
– Tỉa các cành lòa xòa cho cây thông thoáng;
– Đối với thanh long trồng trụ sống, cần chặt tỉa cành lá trên trụ để hạn chế sự phát triển của nấm;
– Cắt bỏ phần nhụy đã héo rủ ở đỉnh trái. Không nên tưới nước lên tán cây khi cây đang bệnh;
– Bón nhiều phân hữu cơ đã ủ hoai mục, cung cấp thêm vôi trước và sau mùa mưa;
– Phun một trong các loại thuốc sau vào thời kỳ trước trổ hoa và khi tượng trái nhỏ: Bavistin 500FL; Plant 50WP pha 15 – 20g/ 8 lít, Polyram 80DF: pha 25 – 30g/bình 8 lít, Score 250 EC. Thời gian từ khi nở hoa đến thu hoạch rất ngắn (chỉ khoảng 1 tháng) nên khi sử dụng thuốc trên thanh long cần chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Trái nào có bệnh nên loại bỏ, không để chung với các trái khác để tránh sự lây lan.
2. Ruồi đục trái
a) Tác nhân gây bệnh
Ngoài bệnh thán thư, thanh long cũng thường bị ruồi đục trái tấn công. Ruồi đục trái là đối tượng kiểm dịch thực vật quan trọng đối với các sản phẩm trái cây xuất khẩu nói chung và thanh long nói riêng. Ruồi thường gây hại vào mùa mưa. Ruồi trưởng thành (thành trùng) có kích thước nhỏ hơn ruồi nhà, nhìn bề ngoài giống như con ong. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Con cái dùng ống đẻ trứng chích vào vỏ trái đẻ trứng thành từng ổ 5 – 10 trứng vào bên trong vỏ trái. Vết chích rất nhỏ nên khó nhìn thấy. Ấu trùng là sâu non có màu trắng ngà (còn gọi là dòi) đục bên trong trái làm thối phần thịt trái. Khi đẩy sức dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất hóa nhộng. Trái bị hư không thể tiêu thụ hoặc xuất khẩu. Ruồi phá hại nhiều khi trái gần chín đến chín. Ruồi gây hại trên nhiều loại cây ăn trái như mận, ổi, táo, thanh long,…
b) Biện pháp phòng trị
– Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây;
– Thường xuyên thu gom những trái bị rụng đem tiêu hủy để diệt dòi;
– Biện pháp bao trái có tác dụng hạn chế ruồi đục trái. Bao trái sau khi hoa thụ phấn 3 – 4 ngày;
– Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugennol (như Ruvacon, Vizubon – D) để dẫn dụ và diệt ruồi đực. Đặt 3 – 5 bẫy /1.000 trụ, đặt rải rác trong vườn thanh long; hoặc phun bả Protein, phun mỗi cây khoảng 20 – 50ml bả mồi (đã pha loãng), chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng 8 – 10 giờ sáng…
– Không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
– Ruồi đục trái là đối tượng kiểm dịch của nhiều nước trên thế giới nên trong xuất khẩu trái cây việc xử lý sau thu hoạch rất cần thiết. Hiện có nhiều biện pháp xử lý trái để trừ ruồi có hiệu quả đã áp dụng rộng rãi như xông hơi kết hợp xử lý nóng hoặc lạnh.
Nguồn: sưu tầm