Bệnh nhờ những bào tử, chúng có thể phát tán nhờ gió chuyển từ nơi này sang nơi khác, cây này sang cây khác. Bào tử theo mưa, nước tưới xuống đất, xâm nhập vào củ, phát sinh chủ yếu khi củ bắt đầu hình thành gây hại trực tiếp đến năng suất.
Bệnh mốc sương khoai tây (BMSKT) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nơi đây cũng chính là nguồn gốc ra đời của cây khoai tây. Sau đó bệnh đã lan ra các nước châu Âu, châu Á… cùng với việc di thực của cây này. Bệnh được chính thức xác định đầu tiên năm 1930 ở Đức, 15 năm sau (1845-1848) bệnh trở thành dịch nguy hiểm ở Bắc Âu, đặc biệt ở Ai-rơ-len. Hiện nay bệnh phổ biến và gây hại rất lớn ở các vùng trồng khoai tây trên thế giới và ở nước ta.
1- Tác nhân gây bệnh
BMSKT do nấm phytopthora infestans de bary gây ra.
Nấm thuốc loài: Phytopthora
Họ: Pythiaceae
Bộ: Peronosporales
Lớp phụ: Oomycetes
Lớp: Phycomycetes
Nấm Phytopthora infestans là nấm ký sinh chuyên tính, sống trong tế bào thực vật tạo thành những vòi hút sinh sản vô tính chủ yếu tạo bào tử phân sinh (conidi) trên các cành conidi đâm nhánh hơi phình rộng. Cành conidi tương đôi dài, conidi đơn độc hình trứng hay hình quả chanh. Chỉ có một conidi trên đỉnh nhánh tạo cho bề mặt của bộ phận bị bệnh có màu trắng rất dễ nhận dạng.
2- Điều kiện phát triển
BMSKT gây bệnh nhờ những bào tử, chúng có thể phát tán nhờ gió chuyển từ nơi này sang nơi khác, cây này sang cây khác. Bào tử theo mưa, nước tưới xuống đất, xâm nhập vào củ, phát sinh chủ yếu khi củ bắt đầu hình thành gây hại trực tiếp đến năng suất.
Bệnh có quan hệ chặt chẽ với thời tiết như lượng mưa, ẩm độ, nhiệt độ. Nếu nhiệt độ thấp hơn 20oC + mưa (hoặc sương) bệnh phát triển liên tục. Nếu vườn khoai tây được bón đạm nhiều, mất cân đối hoặc trồng quá dày, tiêu thoát nước kém, việc trồng khoai tây liên tục không có thời vụ rõ ràng, xen kẽ, không phân khu vực là những điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh và phát triển.
Ở nước ta bệnh phá hại nặng trong những năm thời tiết ẩm ướt, rét và mưa kéo dài, trời có nhiều sương mù, nhiệt độ dưới 20°C. Ở miền Bắc bệnh phá mạnh từ tháng 12 đến tháng 2.
Đà Lạt là vùng cao nguyên có khí hậu ôn hòa, hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi cho bệnh tồn tại và phát triển quanh năm. Hầu hết những giống khoai tây hiện có trong sản xuất tại Đà Lạt đều bị nhiễm bệnh, ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Mức độ bệnh còn phụ thuộc vào mùa vụ. Mùa mưa (từ tháng 4-5 đến tháng 9-10) bệnh gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến năng suất, vào mùa khô mức độ bệnh giảm đi rõ rệt. Số liệu điều tra chuyên ngành qua 2 năm 1991 – 1992 cho thấy rõ tình hình BMSKT trên địa bàn Đà Lạt như sau:
3- Triệu chứng bệnh
Để phòng trừ đạt kết quả tốt, trước hết chúng ta cần phân biệt và xác định đúng bệnh.
3.1. Triệu chứng trên lá
Vết bệnh màu nâu, lan rộng dần từ chóp lá vào trong phiến lá hoặc ở cọng lá vào phiến lá hoặc ở mép lá lan vào trong tạo thành từng đám mô bị thối nâu, nhũn khi ẩm ướt hoặc khô khi trời nắng. Mặt dưới vết bệnh bao phủ một lớp nấm trắng như sương muối.
3.2. Triệu chứng trên thân, cành
Bị bệnh từng đoạn dài, vỏ và ruột thân thối ướt màu nâu đen. Chỗ bị bệnh nhỏ tóp lại có khi chỉ một phía thân bị thối. Khi ẩm ướt, trên vết bệnh có lớp nấm trắng như sương muối bao phủ. Phía trên chỗ bị bệnh, là héo dần. Cành, thân bị bệnh dễ bị gãy gục làm tan cây xơ xác.
3.3. Triệu chứng trên củ
Trên mặt củ, vết bệnh có màu nâu lõm xuống, to nhỏ khác nhau. Khi cắt ngang củ ở chỗ bị bệnh, từ ngoài vào trong ruột có từng chòm mô bị thâm nâu lan rộng vào phía trong. Đễ ấm phát sinh lớp nấm trắng mịn.
4. Phòng trừ
Sau khi đã xác định đúng bệnh, chúng ta phải sử dụng tổng hợp các biện pháp để phòng trừ.
4.1. Chọn giống chống bệnh
Đây là biện pháp cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Những giống khoai tây hiện nay đang được trồng trên địa bàn Đà Lạt như O12 (Atzimba), O6 (CFK- 69 -1), O4 (B71 -2402), Marriella, O7… hầu hết đều bị nhiễm bệnh ở mức độ khác nhau. Do đó, trong khi chưa có những giống vừa cho năng suất cao, phẩm chất tốt lai kháng được bệnh thì với bộ giống hiện có chúng ta vẫn có thể cố gắng sàng lọc để đưa vào trồng trong mùa mưa như giống O7. Mùa khô chúng ta có thể trồng được hầu hết các giống. Theo kết quả nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo giống của Trại nghiên cứu giống khoai tây (Viện cây lương thực thực phẩm) đặt tại Thái Phiên, đến 1994 -1995 có khả năng sẽ đưa vào sản xuất 2 giống có nhiều ưu điểm, giải quyết khó khăn hiện nay cho sản xuất.
4.2. Chọn củ giống hoặc cây giống tốt, khỏe mạnh và sạch bệnh.
4.3. Bón phân
Bón phân phải cân đối, bón tập trung, không nên bón nhiều đạm (đạm phải bón sớm), không được trồng quá dày, phải có chế độ đầu tư chăm sóc thỏa đáng. Vườn khoai luôn được thông thoáng sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng.
4.4. Đất
Đất phải được tơi xốp, thoát nước và bắt buộc phải được luân canh.
4.5. Biện pháp hóa học
Hiện nay, việc dùng thuốc để phòng trừ BMSKT nhằm giữ vững và nâng cao năng suất là biện pháp không thể thiếu được. Do đó, nhà nông cần phải biết nên sử dụng thuốc gì, khi nào sử dụng và sử dụng như thế nào để cho hiệu quả phòng trừ và hiệu quả kinh tế cao. Trong danh mục thuốc cho phép được sử dụng ở Việt Nam năm 1992 của Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, có nhiều loại có thể sử dụng để trừ BMSKT. Nhưng theo chúng tôi hiện nay cần tập trung một số loại thuốc như sau:
Bơm thuốc phòng bệnh định kỳ để tạo lớp áo giáp bên ngoài tránh sự xâm nhập của bào tử, nên dùng Zineb: 30 -50 g/bình 10 lít; Bordeaux 1%, định kỳ phun 3-5 ngày lần vào mùa mưa và 5-7 ngày/lần vào mùa nắng. Khi thấy bệnh xuất hiện với tỷ lệ 10% trở lên cần dùng xen những thuốc có khả năng diệt trừ bệnh như:
Ridomil MZ 72 WP: 25-30g/bình 10 lít
Mancozeb 80 BHN:25-30g/bình 10 lít
Chú ý: Lượng nước dùng để bơm biến động theo tuổi cây trồng (phải đạt từ 400 -800 lít/ha).
Sau khi phun, thuốc phải được rải đều trên khắp bề mặt thân cành lá, nhất là mặt dưới lá và những vị trí thân cành bị bệnh. Tranh thủ bơm thuốc khi trời khô ráo, không có mưa. Mùa nắng nên bơm sáng sớm hoặc chiều mát.
Khi thu hoạch, phải chọn ngày nắng ráo rải đều củ trên mặt luống, phân loại củ ngay taị ruộng – củ để trồng phải được xử lý thuốc trước khi cất giữ. Nhẹ nhàng vận chuyển tránh xây sát. Phải xử lý những tàn dư thân lá củ bệnh khi thu hoạch: Chôn, ủ, đốt tránh nguồn bệnh cho vụ sau.
Nguồn: sưu tầm