Cây Dẻ đỏ

Dẻ đỏ có tên khoa học: Lithocarpus ducampii (Hickel & A.Camus) A. Camus. Họ thực vật: Dẻ (Fagaceae).

Cây Dẻ đỏ - cay de do

1. Đặc điểm hình thái

Cây có đường kính ngang ngực 50-60cm, cao tới 30m, thân thẳng, có bạnh vè; vỏ màu nâu xám, nứt dọc sâu; tuỷ tuyến nổi rõ rệt. Tán lá rộng, xanh quanh năm.

Lá đơn, mọc cách, có lá kèm sớm rụng; lá hình ngọn giáo dài 10-12cm, rộng 3-4cm, cuống lá dài 1cm; gân lá nổi rõ ở mặt dưới, mặt trên có lông hình sao màu gỉ sắt.

Hoa tự  bông đuôi sóc. Hoa đực có 10-12 nhị, chỉ nhị dài và mảnh. Hoa cái mọc thành từng cụm, mỗi cụm có 2- 5 hoa. Mùa hoa tháng 5-7. Đấu quả không có cuống mọc thành cụm 3 chiếc một, mang nhiều vẩy nhọn, quả cao 1,5-2cm, đường kính 1-1,5cm. Mùa quả tháng 11-12.

Cây Dẻ đỏ - ky thuat trong va cham soc cay de do 1

2. Đặc tính sinh thái

Phân bố tự nhiên ở Lào, Campuchia, Việt Nam và Nam Trung Quốc.

Ở Việt Nam, Dẻ đỏ phân bố trong rừng nguyên sinh và  thứ sinh ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Bắc, Quảng Ninh… Dẻ đỏ ít phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía Nam. Trong rừng, nó thường mọc với các loài như Lim xanh, Sến, Táu, Kháo, Trám, Ràng ràng và một số cây họ Dẻ khác như Dẻ gai, Dẻ cau, Dẻ bộp.

Trong vùng phân bố cây Dẻ đỏ có thể sống và sinh trưởng ở nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất Feralit vàng đỏ hoặc đỏ vàng phát triển trên đá macma axít hoặc trên phiến thạch sét, phấn sa.

Thích hợp với khí hậu ẩm nhiệt đới mưa mùa, lượng mưa bình quân 1500-2500 mm/năm,  nhiệt độ bình quân 22-27oC.

Khả năng tái sinh hạt tốt dưới tán rừng thưa. Cây ưa sáng, lúc nhỏ cần che bóng nhẹ. Chu kỳ kinh doanh không quá dài (25-35 năm) do cây Dẻ đỏ sinh trưởng khá nhanh. Cây Dẻ đỏ có thể dùng để gây trồng rừng thuần loài, trồng rừng hỗn giao, làm giàu và cải tạo rừng.

Nguồn: vafs.gov.vn

Thảo luận cho bài: Cây Dẻ đỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *