Cây Dó

Cây Dó tên khác: Dó giấy, vỏ dó, dã gân, dã rừng thuộc họ: Trầm – Thymeleaceae.

Cây Dó - cay do

Hình thái

Cây bụi hay gỗ nhỏ, cao 5-10m, tán hình cầu. Gốc thường có nhiều thân, do cây tái sinh chồi rất mạnh. Thân phân cành sớm; vỏ màu nâu nhạt hay xám, nhẵn, thường có vết nứt nhỏ dọc thân, dày khoảng 3-3,5mm.

Vỏ trong có nhiều sợi rất dai. Lá đơn nguyên, mọc cách đều nhau, dài 8-11cm, rộng 3,5-6cm, hình trái xoan, đầu nhọn, đáy tù hay gần tròn, mặt trên xanh sẫm, bóng, mặt dưới xanh nhạt có lông xám. Những lá ở ngọn cành thường nhỏ hơn các lá phía dưới. Gân bên 15-18 đôi, song song và nổi rõ ở cả 2 mặt; gân nhỏ nhiều, gần song song. Cuống lá ngắn, dài khoảng 5mm, màu đỏ có rãnh sâu.

Cụm hoa chùy mọc trên đỉnh, dài hơn lá, gồm nhiều cụm hoa hình đầu nhỏ, bao bọc trong một tổng bao; mỗi cụm hoa đầu mang 3-4 hoa (hầu hết 4 hoa). Lá bắc màu trắng nhạt, hay phớt hồng, có nhiều lông mịn bao phủ. Hoa trắng, dài 9-10mm, không cuống, có mùi thơm dễ chịu. Đài dính thành ống, 2 đầu thót lại, có 4 thùy ngắn; không có tràng. Nhị đực 8, xếp 2 hàng; chỉ nhị rất ngắn, đính vào ống đài; bao phấn hình mắt chim, mở dọc. Bầu tâm, có cuống ngắn, phủ lông dày đặc, 1 ô, vòi ngắn, núm hình cầu, noãn 1.

Quả bế, khi chín không mở, hình thành từng cụm trên đầu cành, mỗi cụm 3-4 quả, dính nhau ở cuống rất ngắn, chiều dài quả từ 1,0-1,2cm, thiết diện ngang hình vuông. Mỗi quả có một hạt thuôn, hình thoi, dài 5-8mm, khi non màu xanh, khi già đen bóng, xung quanh được bao bọc bởi lớp vỏ xốp, mềm nhưng dai do đó hạt khó tách khỏi lớp vỏ này và cũng khó thấm nước.

Các thông tin khác về thực vật

Nhiều người thường nhầm cây dó với cây dó bầu, dó trầm hay trầm dó (Aquilaria crassna) được giói thiệu trong nhóm cây tinh dầu. Hai cây này cùng họ nhưng khác chi. Về hình thái, dó là cây bụi còn trầm dó, dó bầu hay dó trầm là cây gỗ trung bình hay gỗ nhỏ; cây dó chỉ cho vỏ làm giấy, còn cây trầm chủ yếu là cho trầm, một loại nhựa rất có giá trị.

Phân bố

Việt Nam:

Dó phân bố nhiều ở các vùng Đông Bắc, Trung Tâm, vùng thấp của Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; đặc biệt ở các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hà Tây, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Hiện đã được trồng ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.

Thế giới:

Trung Quốc và Lào.

Đặc điểm sinh học

Cây phân bố phổ biến ở các tỉnh vùng trung du và miền núi, ở độ cao 50-600m so với mặt biển. Thường gặp trong các rừng nhiệt đới gió mùa thứ sinh, trong các trảng cây bụi có xen cây gỗ ở vùng trung du và núi thấp.

Dó mọc ở vùng có lượng mưa cao, từ 1.600mm trở lên; nhiệt độ không khí trung bình 22-230C, độ ẩm không khí tương đối cao (82-86%); tổng số giờ nắng 1.520-1.620 giờ. Cây chịu bóng, nhất là giai đoạn dưới 3 tuổi nên thường mọc dưới tán cây gỗ, ven rừng thứ sinh, hoặc dọc theo các con đường của làng bản. Cây ưa đất sâu dày, thoát nước tốt, phong hóa từ các loại đá biến chất như phiến thạch, mica, diệp thạch kết tinh, gnai và nhóm đá trầm tích chua, các loại đất feralit vàng đỏ hoặc đỏ vàng, tầng đất dày, thành phần cơ giới từ thịt đến sét trung bình, độ pH từ chua đến hơi chua. Dó thường mọc xen với nhiều cây bụi và cây gỗ khác, dưới tán của các loài: Cọ, ràng ràng mít, chẹo, trám trắng, trám đen, xoan đào, thôi ba, trương vân, thành ngạnh…

Dó cũng mọc thuần loại trong các vườn rừng hoặc trồng xen kẽ với các cây gỗ làm nguyên liệu giấy như bồ đề, mỡ… Đây là loài cây chịu khô hạn, có thể mọc trên các đất khô, chua. Đôi khi gặp dó mọc lẫn trong rừng tre nứa. Tái sinh hạt và chồi đều rất tốt. Các cây dó ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể tái sinh chồi, vì vậy có thể kinh doanh rừng dó chồi nhiều chu kỳ.

Mùa hoa tháng 10-12; quả chín rộ vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 trong khoảng thời gian ngắn 15-20 ngày là rụng hết. Tuy vậy có vùng quả dó chín rải rác, nên cần chú ý theo rõi để lấy hạt.

Công dụng

Vỏ dó rất bền, dai, nhiều sợi, với hàm lượng cellulose từ 40 đến 50% (tùy theo tuổi cây), độ dài sợi 6-7mm, chiều rộng 10 µm (chiều dài lớn gấp 600 lần chiều rộng). Vì vậy sợi có độ bền cơ học cao. Bột giấy dó có hàm lượng cellulose 92-93%, trị số đồng thấp 1,13% (so với chỉ tiêu bột giấy để sản xuất giấy chất lượng cao thì hàm lượng cellulose phải trên hay bằng 90% và hàm lượng đồng nhỏ hơn hay bằng 1,5%). Do đó vỏ dó rất phù hợp với sản xuất giấy chất lượng cao (tuổi thọ sử dụng đến 500năm). Theo kinh nghiệm truyền thống của người dân ở nhiều vùng thuộc miền Bắc Việt Nam, vỏ dó được dùng để sản xuất loại giấy bản, giấy viết chữ Hán, Nôm, các loại giấy mềm và dai như cốt giấy nến (stencil), giấy vàng mã, giấy làm khăn ăn, giấy in tranh dân gian Đông Hồ. Đặc biệt hơn những bản sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đều được viết trên giấy dó. Hiện nay các bản sắc phong này vần được giữ trong các đền chùa hay trong các kho lưu trữ Quốc gia. Ngoài ra lá, hoa và rễ dó còn được dùng làm thuốc trong y học dân gian ở miền núi. Phần gỗ thân cây làm nguyên liệu bột giấy hoặc làm củi rất tốt.

Hiện nay nhiều cơ sở tư nhân, hợp tác xã sản xuất giấy ở Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn đang lưu truyền và phát triển nghề truyền thống sản xuất giấy dó chuyên dùng theo tính chất thủ công (Phong Khê -Đông Khê – Bắc Ninh) (Nguyễn Quang Khải, 2002).

Thực tiễn nhu cầu về giấy ngày càng tăng, không những về số lượng, chất lượng mà còn đa dạng về chủng loại. Bên cạnh các loại giấy thông thường cón có nhu cầu mạnh về giấy chất lượng cao dùng cho lưu trữ, phục chế tài liệu, ấn phẩm lịch sử, văn hóa nghệ thuật …. Giấy dó là nguồn nguyên liệu có thểđáp ứng với các yêu cầu đó.

Nguồn: caycongtrinh.com.vn

Thảo luận cho bài: Cây Dó

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *