Nội dung chính
Bạch đàn lai có khả năng phân bố rộng rãi từ vùng khí hậu nhiệt đới đến vùng khí hậu á nhiệt đới, từ vùng ven biển đến vùng núi. Không thích hợp với vùng có sương muối kéo dài.
Tên latinh: Eucalyptus urophylla x Eucalyptus camaldunensis
Thuộc họ: Họ Sim (Myrtaceae)
Vùng trồng: Đông Bắc,Vùng Trung tâm,Tây Bắc,Đồng bằng Sông Hồng,Bắc Trung Bộ,Nam Trung Bộ,Tây Nam Bộ
Bạch đàn là một trong những nhóm cây đang được gây trồng rộng rãi ở nước ta. Hiện nay Bạch đàn được coi là cây nguyên liệu giấy chủ yếu ở vùng trung tâm miền Bắc.
Gần đây, một số giống Bạch đàn lai có năng suất cao đã được chọn và gây trồng rất thành công ở một số nước như Brazil và Công Gô. Tại đây, trên những lập địa tốt và áp dụng kỹ thuật trồng thâm canh có thể đạt năng suất 40 – 80m3/ha/năm. Trung quốc và Philippin cũng tạo được một số giống Bạch đàn lai có năng suất cao và đang được trồng làm nguyên liệu giấy.
Ở Việt Nam từ các năm 1996 – 2000 Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã tạo được gần 80 tổ hợp lai trong loài và lai khác loài giữa các loài Bạch đàn Urô ( Eucalyptus urophylla ), Bạch đàn trắng Caman ( E. camaldulensis ) và Bạch đàn liễu ( E.exserta ). Qua khảo nghiệm đã xác định một số tổ hợp lai có năng suất cao. Đặc biệt hai giống PN2, PN14 do Trung tâm nguyên liệu giấy Phù Ninh chọn lọc và nhân giống, cũng như giống U6 được nhập từ Trung Quốc qua khảo nghiệm bước đầu cho thấy đây là những giống có triển vọng cho trồng rừng kinh tế ở nước ta.
I. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG
1. Khí hậu: Tuỳ vào từng dòng cụ thể mà có điều kiện khí hậu thích hợp. Nhìn chung Bạch đàn lai có khả năng phân bố rộng rãi từ vùng khí hậu nhiệt đới đến vùng khí hậu á nhiệt đới, từ vùng ven biển đến vùng núi. Không thích hợp với vùng có sương muối kéo dài
2. Độ cao: Từ 500 – 800 m so với mặt nước biển, độ dốc < 300
3. Đất đai:
Bạch đàn có khả năng chịu hạn, có nhu cầu về chất dinh dưỡng khoáng không cao, có thể trồng trên các lập địa xấu, vùng đất đồi núi trọc. Sinh trưởng tốt trên đất sâu ẩm, tầng đất dày như các loại bãi bồi, đất dốc tụ chân đồi… Không thích hợp với đất có nguồn gốc đá mẹ là đá vôi, độ PH cao và đất có thực bì xâm lấn cao.cung cấp giống cây bạch đàn lai giá rẻ
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. Tiêu chuẩn cây con đem trồng
Giống được tạo bằng cây mô, hom. Cây được giâm ươm trong vườn từ 3 – 3,5 tháng, Hvn = 30 – 35cm, Do = 0,3 – 0,4cm; cây xanh tốt, không bị: sâu bệnh, cụt ngọn, tổn thương. Cây có hệ rễ phát triển.
2. Kỹ thuật trồng
– Xử lý thực bì:
+ Phương thức: Phát toàn diện
+ Phương pháp: Thủ công
Phát sát gốc thực bì, để lại những cây tái sinh của các loài cây gỗ lớn. Băm vụn cành, nhánh và dọn thực bì thành băng theo đường đồng mức, không đốt.
+ Thời gian xử lý: Tháng 3 – 4
– Xử lý đất:
Nơi địa hình ít dốc và điều kiện cho phép thì cày đất toàn diện hoặc cày theo băng sẽ đảm bảo tỷ lệ sống cao và sinh trưởng nhanh.
Nơi địa hình dốc và điều kiện không cho phép thì làm đất cục bộ theo hố, cuốc và lấp hố thủ công .
+ Cuốc hố thành hàng theo đường đồng mức; khi đào hố: để lớp đất mặt sang một bên, để lớp đất dưới sang một bên. Hố cuốc giữa các hàng phối trí theo hình nanh sấu (so le).
+ Cuốc hố trồng kích thước hố 30 x 30 x 30 cm
+ Lấp hố: Đập nhỏ đất, loại bỏ đá và rễ cây to cho lớp đất mặt xuống dưới đáy hố, lấp lớp đất dưới lên trên. Lấp hố trước khi trồng 15 – 20 ngày.
+ Bón lót: trồng rừng thâm canh cần thiết phải bón lót, mối hố bón 1 kg phân chuồng hoai, phân hoá học (NPK) 0,2 kg/hố. Bón lót kết hợp với lấp hố.
+ Thời gian làm đất: Trước khi trồng 1 tháng.
– Mật độ trồng: 2.000 cây/ha. Lưu ý trên một ha không nên trồng thuần loài 1 dòng, mà nên bố trí từ 2 dòng trở lên.
– Thời vụ trồng: từ 15 tháng 5 đến 15 tháng 7
– Kỹ thuật trồng:
+ Rạch bỏ vỏ bầu, khơi một hố nhỏ giữa hố đã lấp, đặt cây ngay ngắn vào giữa hố rồi lấp đất; lấp đất đến đâu nén chặt đất vừa phải xung quanh bầu đến đó. Lấp đất cao bằng cổ rễ cây, vun đất quanh gốc cây thành hình mui rùa để tránh đọng nước vào gốc cây khi trời mưa .
+ Trồng vào những ngày thời tiết râm mát, đất đủ ẩm; không trồng vào lúc trời nắng to hoặc mưa to.
3. Chăm sóc và bảo vệ rừng
– Chăm sóc:
+ Trồng dặm: Trong thời gian sau khi trồng 1 – 3 tháng thường xuyên kiểm tra nếu có cây chết thì phải trồng dặm ngay. ( Việc trồng dặm cây con vào năm sau không mang lại kết quả tốt đối với Bạch đàn lai )
+ Chăm sóc: Chăm sóc liên tục trong 3 – 4 năm đầu, mỗi năm chăm sóc 2-3 lần. Bạch đàn là cây ưa sáng hoàn toàn nên yêu cầu phát sạch thực bì hoang dại, làm cỏ xới đất quanh cây trồng, đường kính xới từ 0,8 – 1m.
+ Bón phân: Trong 3 năm đầu mỗi năm bón thúc 1 – 2 lần , lượng bón mỗi hố 0,1 – 0,2 kg NPK/ lần
Tuỳ theo điều kiện sản xuất kinh doanh có thể kéo dài số năm chăm sóc theo chu kỳ kinh doanh và điều kiện phát triển của thực bì mà tăng số lần phát thực bì, cuốc xới vun gốc trong năm cho phù hợp.
– Bảo vệ rừng:
Xây dựng đường băng cản lửa rộng 20 – 30 m, bằng đai cây xanh hoặc băng trắng. Hàng năm phải dọn sạch thảm mục cỏ khô trong băng cản lửa.
Thường xuyên kiểm tra phòng ngừa lửa rừng, sâu bệnh, người và gia súc phá hoại rừng trồng
4. Phòng trừ sâu bệnh hại: Một số dòng Bạch đàn lai có ưa điểm là sinh trưởng nhanh chưa thấy có biểu hiện sâu bệnh ở rừng trồng. Nhược điểm là khả năng chống chịu mối kém, ở những vùng đất có mối trước khi trồng cần xử lý thuốc chống mối.
Hiện nay một số điểm trên địa bàn tỉnh Điện Biên trồng Bạch đàn lai đã xử lý 2 loại thuốc chống mối sau thấy hiệu quả tốt.
4.1 Thuốc trừ sâu Vi Bi Su ( Ba Su Zin )
Tên gọi khác : Dia zi non, Kaya zi non
Đặc điểm:
– Vi Ba Su là thuốc trừ sâu thuộc nhóm lân hữu cơ có tác động tiếp xúc, vị độc, sông hơi, thấm sâu.
– Vi ba su dạng hạt, mầu trắng xám, mùi nồng, có hai loại nồng độ 5% và 10% hoạt chất, dùng để phòng trừ sâu đục thân, sâu non (Muỗi lá hành) trên lúa, sâu đục thân, đục mía, ngô.
– Thuốc có tác dụng bón vào đất cho cây trồng cạn để trừ các loại sâu xám, Sùng tráng, Mối, Dế, kiến… Trước khi gieo trồng và sau khi gieo trồng.
– Thuốc thuộc nhóm độc trung bình (nhóm II ) cho người và gia súc, độc với cá và ong.
Kỹ thuật xử lý thuốc
* Liều lượng bón: Liều lượng bón: 10 gr/ hố
* Xử lý
– Đối với cây trồng cạn cây ăn trái, cây công nghiệp sử lý như sau: Xới đất rải (rắc) theo hàng hoặc chung quanh gốc xong lấp đất lại tưới nước bình thường.
– Chộn đều thuốc với đất trong hố để trồng cây. Khi trồng bới đất trong hố ra lót 1 lớp đất không có thuốc xung quanh để trồng cây.
– Trồng cây bình thường sau đó rạch rãnh xung quanh cách gốc cây 15 – 20 cm, rãnh sâu 3 – 5 cm rắc đều thuốc vào rãnh và lấp lại. Nên áp dụng cách này dễ làm và phù hợp hơn.
– Chú ý: Thuốc không tốt cho phần rễ cây non do vậy không để rễ cây tiếp xúc với thuốc trong thời gian đầu.
4.2 Thuốc trừ sâu Furadan 3h ( 3g)
Tên gọi khác : Carbofuran
Đặc điểm:
– Furadan 3H là thuốc trừ sâu thuộc nhóm carbamate dạng hạt chứa 3% hoạt chất, màu tím hoặc xanh dương, mùi nồng
– Furadan 3Hcó ba tác động tiếp xúc, vị độc và nội hấp dùng để phòng trừ sâu đục thân, và tuyến trùng lúa, sâu đục ngọn Bắp, Mía
– Thuốc có tác dụng bón vào đất cho cây trồng cạn để trừ các loại tuyến trùng sâu xám, Sùng trắng, Dế, kiến, Mối… Trên các vườn cây ăn trái, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp.
– Thuốc thuộc nhóm rất độc (nhóm I ) cho người và gia súc, độc với cá và ong.
Kỹ thuật xử lý thuốc.
* Liều lượng bón: Liều lượng bón: 10 gr/ hố
* Xử lý
– Đối với cây trồng cạn cây ăn trái, cây công nghiệp sử lý như sau: Xới đất rải (rắc) theo hàng hoặc chung quanh gốc xong lấp đất lại tưới nước bình thường.
– Trộn đều thuốc với đất trong hố để trồng cây. Khi trồng bới đất trong hố ra lót 1 lớp đất không có thuốc xung quanh để trồng cây.
– Trồng cây bình thường sau đó rạch rãnh xung quanh cách gốc cây 15 – 20 cm, rãnh sâu 3 – 5 cm rắc đều thuốc vào rãnh và lấp lại. Nên áp dụng cách này dễ làm và phù hợp hơn.
– Chú ý: Thuốc không tốt cho phần rễ cây non do vậy không để rễ cây tiếp xúc với thuốc trong thời gian đầu.
5. Thu Hoạch
Rừng trồng bạch đàn thâm canh đúng kĩ thuật về chọn giống, kỹ thuật tạo cây giống, kĩ thuật trồng rừng thâm canh đồng bộ, chăm sóc bảo vệ rừng chu đáo, sau 7-8 năm có thể cho thu hoạch gỗ để làm nguyên liệu chế biến bột giấy. Năng suất tăng trưởng rừng trồng bạch đàn (hiện tại) có thể đạt từ 12-13 m3/ ha/ năm, tức là 88-104 m3/ ha sau 7-8 năm tuổi. Sau 15 năm có thể khai thác làm gỗ gia dụng, gỗ xây dựng.
Rừng trồng bạch đàn đền tuổi nên khai thác trắng, sau đó tiếp tục chăm sóc gốc chồi để tiếp tục kinh doanh các chu kỳ sản xuất tiếp theo./.
Nguồn: caygiong.org