Như chúng ta đã biết trong các sản phẩm 2,4 D dùng làm thuốc trừ cỏ (thường là muối 2,4 D natri hoặc 2,4 D dimethyl amin) có chứa một lượng chất chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do.
Chất chlorophenol có mùi hôi nồng rất khó chịu, là nguyên nhân chính tạo nên mùi hôi đặc biệt của thuốc trừ cỏ 2,4 D. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Về độ cấp tính đối với động vật máu nóng, trị số LD50 (liều lượng ít nhất có thể gây chết tức thời 50% số cá thể) đối với chuột là từ 50 – 670 mg/kg thể trọng. Độ độc này tăng tỷ lệ thuận với số nguyên tử clo có trong chlorophenol. Đồng phân pentacholoro (5 nguyên tử clo) có trị số LD50 là 50 mg/kg.
Thuốc trừ cỏ 2,4 D được phát minh từ năm 1945 tại Mỹ và là loại thuốc có tác dụng diệt rất tốt các loài thuộc nhóm cỏ lác và cỏ lá rộng. Hiện nay nông dân ở ĐBSCL vẫn dùng loại thuốc cỏ này để trừ cỏ lúa. Ưu điểm của loại thuốc 2,4 D là giá thành chi phí trên đơn vị diện tích rất rẻ so với nhiều loại thuốc trừ cỏ khác.
Ở liều lượng thấp thuốc 2,4 D còn có tác dụng kích thích lúa đẻ nhánh và phát triển. Thuốc 2,4 D thường được pha trộn với các loại thuốc cỏ khác để diệt cỏ cho lúa và với thuốc Glyphosate để diệt cỏ trên những bãi đất hoang cần khai phá, cỏ bờ ruộng, bờ mương.
Tuy nhiên, hiện nay một số nông dân ở ĐBSCL đã lạm dụng việc sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4 D cho lúa, đó là họ sử dụng thuốc cỏ 2,4 D trên lúa gần thu hoạch. Đã nhiều lần đi công tác tại các địa phương tôi thấy nông dân phun thuốc 2,4 D cho lúa khi ngày thu hoạch đã cận kề. Họ thường dùng thuốc 2,4 D (loại thuốc bột) cho ruộng lúa gần đã chín được 80%, từ ngày phun thuốc đến thu hoạch chỉ khoảng 1 tuần.
Theo họ thì phun thuốc 2,4 D cho lúa vào lúc này sẽ làm cho hạt lúa “nở’ ra và sẽ làm tăng năng suất. Và đúng là hạt lúa sau khi phun thuốc 2,4 D có nở ra thật, ở những ruộng có phun loại thuốc này đến khi thu hoạch thì rất nhiều hạt lúa trên ruộng bị nứt vỏ trấu và làm lộ ra cả gạo lức.
Một số nơi ở ĐBSCL, người dân thường bán lúa ngay tại ruộng sau khi thu hoạch và bán bằng cách đong thùng (một thùng gọi là một táo). Chính vì thế mà khi vỏ trấu bị nứt ra sẽ làm tăng thể tích trong thùng và làm cho số thùng trên đơn vị diện tích sẽ tăng và người dân cho đó là tăng năng suất.
Thực chất năng suất lúa hoàn toàn không tăng như người dân tưởng. Trong một lần cân thử chúng tôi nhận thấy rằng một giạ lúa (bằng 2 táo) vụ đông xuân trên ruộng lúa có phun thuốc 2,4 D chỉ nặng 19,5 – 20 kg, trong khi đó thì trên ruộng lúa không phun 2,4 D trước khi thu hoạch thì một giạ lúa thường nặng 21 – 22 kg.
Như vậy, sự gia tăng số bao lúa trên ruộng lúa có phun thuốc 2,4 D trước khi khi thu hoạch chỉ làm cho lúa tăng năng suất một cách giả tạo. Từ khi phun thuốc đến khi thu hoạch chỉ có một tuần nên lượng thuốc bám dính trên hạt lúa chưa thể bị phân hủy hết và sẽ bám dính vào hạt gạo khi xay xát. Hạt lúa ở những ruộng có phun thuốc 2,4 D sẽ không thể sử dụng làm giống cho vụ sau được vì phôi nhũ sẽ nhanh chết khi vỏ trấu bị nứt ra.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo đến bà con nông dân là không nên phun thuốc 2,4 D trên lúa gần chín nhưng hiện vẫn còn một số người vẫn không tuân thủ. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có biện pháp xử phạt hành chính với những người không chấp hành để bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.
Nguồn: 2lua.vn