Cá tra là mặt hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quan trọng của ngành thủy sản ĐBSCL.
Để cải thiện chất lượng cá tra nuôi hầm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, KS. Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trung tâm Khuyến Nông tỉnh An Giang) đã thử nghiệm thành công quy trình nuôi cá tra sạch bằng cách sử dụng các chế phẩm vi sinh.
Toàn tỉnh An Giang có 1082 ha diện tích ao hầm, trong đó 996 ha diện tích nuôi cá tra. Thời gian gần đây sản lượng nuôi cá tra tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu nhưng đầu ra còn hạn hẹp do chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn, nhiều hộ nuôi cá lỗ vốn. Sở NN& PTNT An Giang đã tiến hành áp dụng những biện pháp nâng cao chất lượng cá tra nuôi xuất khẩu trên cơ sở triển khai tiêu chuẩn SQF 2000 áp dụng cho vùng nuôi tôm, cá bè và hầm.
Bước đầu các nhà khoa học ngành thủy sản đã xác định được nguyên nhân chính làm cá tra có thịt và mỡ vàng là do môi trường nước có tảo phát triển nhiều. Nhiều giải pháp đặt ra nhưng cách hữu hiệu nhất hạn chế sự phát triển của tảo là thay nước và sau đó dùng chế phẩm vi sinh phân hủy tảo làm sạch nền đáy ao. Tuy nhiên ở những vùng ao nuôi có địa hình khó thay nước, người nuôi cá nên áp dụng biện pháp quản lý môi trường nước tốt bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học, vôi bột, bổ sung men tiêu hóa giai đoạn đầu, sử dụng Vitamin C lúc giao mùa giúp tăng sức đề kháng cho cá, đồng thời hạn chế việc sử dụng kháng sinh trị bệnh cá.
Phương pháp tiến hành: Cải tạo ao trước khi thả cá, vét bùn, sử dụng khoảng 120kg vôi/1000 m vuông rải trên nền đáy ao và bốn vách ao, sau đó rải thêm ba giạ muối, phơi đáy ao ba ngày cho nước vô, bốn ngày sau bắt đầu thả cá. Cá trước khi bắt, yêu cầu bổ sung vitamin C trong thức ăn thời gian một tuần. Trước khi thả cá cần nhờ cán bộ thủy sản đo thử pH để có độ chênh lệch thích hợp giữa ao cá giống và ao nuôi.
Thông thường hai ngày sau khi thả cá bắt đầu ăn mạnh. Hai tuần đầu cho cá ăn thức ăn công nghiệp, khoảng 250kg và 150kg cá tạp (cá biển, cá linh) cho ao nuôi 1000m vuông có 12000 cá giống (10 ngàn cá tra và 2000 con các loại cá mè, cá hường, cá chép… tận dụng các nguồn thức ăn). Hai tuần sau, cho cá ăn theo tỷ lệ 1 cá, 1 tấm, 2 cám. Tháng thứ ba tăng thêm lượng tấm theo tỷ lệ 1 cá, 3 cám, 2 tấm. Ở thời điểm 3 tháng đầu, cư 15 ngày xử lý Biotab, mỗi lần 2 viên/1000m vuông , ba mươi ngày thay nước xử lý 15kg vôi Dolomite và 2 viên Biotab.
Sang tháng thứ 4-6, giai đoạn này nên 7 ngày xử lý nước 1 lần, mỗi lần 2 viên Biotab, 2-3 tuần sau thay nước, mỗi lần thay nước cần xử lý vôi. Trong những tháng cao điểm cá bệnh (tháng 10-11dl) có thể xử lý Zeolite 20kg/1000m vuông , sau đó tạt BKC 150ml/ 1000m vuông trong ba ngày liên tục. Đến ngày thứ 4, xử lý Biotab 2 viên/lần 5 ngày, thức ăn cần bổ sung vitaminc 150g/100kg mồi và buổi sáng, buổi chiều bổ sung men 801 (hoặc 902) cho mỗi đợt 10 ngày. Hai tháng cuối, 7 ngày xử lý Biotab/ lần, mỗi lần 2 viên, 15 ngày thay nước/lần, sau khi thay nước xongxử lý 25kg vôi Dolomite.
Chú ý: Trong ba tháng đầu có thể trộn men tiêu hóa vào thức ăn, 1kg men 801/ tấn mồi, cho ăn liên tục 5 ngày, nửa tháng/ lần. Cần cải tạo ao thật kỹ trước khi thả cả, môi trường nước rất quan trọng, thấy nước hơi xấu phải xử lý ngay, cá sẽ ít bệnh dịch và mau lớn, thả ghép thêm cá trắng với tỷ lệ 20-30% rất tốt. Xử lý chế phẩm sinh học giai đoạn sau rút ngắn lại tuần/ lần vì lúc này cá lớn, lượng phân thải ra nhiều, 15-20 ngày phải thay nước, thay nước xong, xử lý vôi.
Điều quan trọng hơn cả ở quy trình nuôi cá tra này là trong suốt vụ nuôi không sử dụng thuốc kháng sinh, ngay cả lúc cá bệnh. Cá lớn nhanh, đạt trọng lượng trên 1kg/con sau 8 tháng nuôi, chất lượng thịt và mỡ cá trắng, ít có mùi hôi, thích hợp với yêu cầu xuất khẩu cũng như mở hướng tiêu thụ trong nước do chất lượng cá khác hẳn cá tra nuôi hầm không xử lý.
Nguồn: vietlinh.vn