Nội dung chính
Sở là cây trồng chủ yếu để lấy hạt ép dầu, dầu sở dùng làm dầu ăn có giá trị, ngoài ra còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược.
Khô sở (bã sau khi ép dầu) có thể làm thuốc trừ sâu hoặc làm phân bón rất tốt. Vỏ quả dùng làm than hoạt tính, làm thuốc nhuộm. Gỗ sở cứng, mịn và bền nên có thể làm nông cụ và đồ dùng gia đình.
Sở là cây xanh quanh năm, cành lá rậm rạp, tái sinh chồi tốt, cũng có thể làm cây phòng hộ như chống xói mòn, phòng cháy v.v….
Yêu cầu khí hậu, đất đai:
Sở là cây thuộc họ chè, cao 4-6m, sống lâu, có thể hàng trăm năm. Cây lớn, ưa sáng, tái sinh chồi mạnh. ở nước ta sở mọc nhiều ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và được nhân dân gây trồng và sử dụng từ lâu ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ v.v….
Yêu cầu về đất đai không cao lắm, vì nó là loài cây có tính thích ứng lớn. Nhưng để sở có sản lượng hoa quả nhiều thì cần chọn nơi đất tốt, tầng đất dày 50cm trở lên, đất có nhiều mùn, thoát nước, hơi chua, độ pH 5-6. Nơi đất kiềm sở không mọc được.
Sở tái sinh bằng hạt và tái sinh bằng chồi rất tốt. Những cây sở già cỗi người ta có thể chặt sát gốc, cây lại nảy chồi, chăm sóc tốt vẫn cho ra quả.
Kỹ thuật gây trồng:
Sở có rất nhiều chủng khác nhau cho nên trước khi trồng cần chọn chủng sai quả. Có 2 loại sở là sở chè và sở vả (sở lã). Sở chè lá nhỏ, cành lá rậm rạp, sai quả nhưng quả nhỏ, tỷ lệ dầu ít nhưng sai quả nên sản lượng lại cao. Còn sở vả lá to, cành lá thưa hơn, quả to nhưng ít, tỷ lệ dầu cao song ít quả nên sản lượng thường thấp. ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã trồng sở được gần 20 năm. Kinh nghiệm cho thấy khoảng 8kg hạt khô đem ép cho 1 lít dầu.
Sau khi trồng được 7-8 năm thì sở ra hoa, kết quả. Lấy quả làm giống nên chọn những cây mẹ khỏe mạnh, từ 15 tuổi trở lên, cây sai quả để lấy giống. Sở ra hoa tháng 10-11, quả chín vào tháng 9-10 năm sau. Khi quả chín vỏ quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng hoặc vàng xám là thu hái được. Quả lấy về đem hong ở nơi thoáng gió 4-5 ngày quả sẽ tự tách để hạt rơi ra ngoài rồi thu lấy hạt. Cũng có thể phơi quả dưới nắng nhẹ vào sáng sớm để quả chóng tách hạt, thu hoạch xong có thể đem gieo ngay hoặc cất trữ.
Hạt sở được cất ẩm bằng cách trộn hạt với cát ẩm cất trong hàm ếch đào vào sườn đồi khuất nắng; hoặc có thể trộn hạt + cát để dưới mái che nơi thoáng gió. Hàng tuần cần kiểm tra giữ cho đống hạt không tăng nhiệt độ, cần đảo hạt thay cát, phun nước giữ ẩm. Loại bỏ những hạt bị mốc, bị thối.
Sở có thể trồng bằng cách gieo thẳng hạt ngoài đồi. Hố đào 40 x 40 x 40cm, mỗi hố gieo 3-4 hạt, lấp đất nhỏ dày khoảng 3cm-4cm. Sau khoảng 2 tháng hạt mới nảy mầm. Mật độ trồng có thể thay đổi từ 500 cây-1100 cây/ha tùy theo có canh tác nông lâm kết hợp hay không. Sau khi trồng cần chăm sóc chu đáo như làm cỏ, xới đất, chặt bỏ dây leo, cây bụi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sở. Nếu trồng thưa (500 cây/ha) thì những năm đầu nên trồng xen các cây đậu, lạc, sắn, lúa v.v… ở Trung Quốc có nơi đã trồng trẩu lá tròn (còn gọi là trẩu tung, 3 năm có quả) xen với sở.
Những năm đầu trẩu che bóng cho sở, khi rừng 7-8 tuổi sở mới ra hoa kết quả, yêu cầu ánh sáng có thể chặt bỏ trẩu (chú ý là trẩu lá tròn (trẩu tung) chỉ thích hợp với khí hậu Cao Bằng, Hà Giang và một số vùng núi các tỉnh ven biên giới Việt Nam-Trung Quốc thôi).
Ngoài việc trồng nông lâm kết hợp khi rừng sở chưa khép tán thì cũng có thể trồng sở xung quanh các nương rẫy, hoặc trồng sở theo băng xen với nương rẫy trên sườn dốc để hạn chế xói mòn.
Vì là cây thu hoạch quả cho nên hàng năm nó tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng trong đất. Cần thiết phải bón phân thì sở mới cho sản lượng hoa quả cao. Bón phân định kỳ 2 năm 1 lần với lượng phân chuồng 10 tấn/ha và phân NPK theo tỷ lệ 3 kali + 1 lân + 1 đạm với lượng 0,2kg/gốc (chia làm 2 lần bón).
Thời vụ trồng:
Nếu gieo hạt thẳng thì có thể gieo vào vụ Đông tháng 11-12 hoặc vụ đầu Xuân tháng 1-2. Nếu trồng bằng cây con thì nên trồng vào đầu xuân.
Nếu trồng sở bằng cây con thì phải làm vườn ươm. Có thể gieo vào bầu, thành phần ruột bầu gồm 90% đất đồi, 10% phân chuồng hoai, mỗi bầu gieo 1 hạt. Cần bón thúc vào tháng 5 và tháng 7.
Nếu không gieo vào bầu thì cần chọn vườn ươm nơi đất thịt hoặc thịt nhẹ, đất tốt, làm đất kỹ, bón lót đầy đủ 5kg phân chuồng cho 1m2, gieo hạt theo hàng với cự ly 25-30cm, gieo xong lấp đất dày 2-3cm, trên rạch gieo phủ rơm rạ để giữ ẩm. Chăm sóc ở vườn ươm tương tự như những cây khác, cây ở vườn ươm thường được nuôi một năm.
Sở thường có nhiều sâu bệnh hại. Lúc nhỏ thường bị bệnh lở cổ rễ, thối cổ rễ, lớn lên thường bị sâu đo, sâu đục thân, bệnh bồ hóng thường làm cho hoa quả rụng, cần chú ý phòng trừ. Chăm sóc tốt, cây đủ ánh sáng, đủ dinh dưỡng cũng là biện pháp phòng bệnh tốt. Phát trừ dây leo, cỏ dại, cũng là biện pháp hạn chế sâu.
Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn