Vượt thử thách dịch bệnh tấn công đàn lợn, cam bưởi càng chăm càng còi cọc, sau gần 10 năm bám trụ trang trại, anh Nguyễn Chí Tám (Thanh Hóa) có cơ ngơi trị giá vài chục tỷ đồng.
Là người gốc Xuân Thành nhưng anh Tám chọn mảnh đất Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa làm nơi lập nghiệp. 8 năm cắm dùi ở trang trại giúp người nông dân thành tỷ phú, song hiếm ai biết rằng không ít lần ông chủ phải đối mặt với khó khăn chồng chất, tưởng chừng phải cầm gậy đi ăn xin.
Học hết cấp 3, anh Tám vào Đăk Lăk cùng với người thân, bạn bè làm trang trại cà phê. Tuy cũng kiếm được đồng ra đồng vào nhưng trong thâm tâm anh vẫn luôn nung nấu ước mơ trở về quê hương phát triển kinh tế. Đến năm 2007, anh Tám cùng một người quê ở Hưng Yên, thuê đất của xã ở Bắc Lương và mua lại vườn cây các chủ trước đã trồng làm trang trại.
“Trước tôi đã có 2 người đầu tư vào vùng đất này nhưng đều thất bại. Tôi cùng với người đồng sự làm được một thời gian thì ông ấy cũng bỏ cuộc. Tôi chấp nhận sang tên vườn cây tàn với giá 250 triệu đồng để khởi nghiệp lại từ đầu”, anh Tám bộc bạch.
Anh Nguyễn Chí Tám (mặc áo thun sọc kẻ) giới thiệu vườn cây ăn quả tại Bắc Lương. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Vay tiền mua trang trại được hơn 3 tháng, anh gặp sự phản đối kịch liệt từ gia đình. Bà con hàng xóm bảo anh gàn dở, đến cả chuyên gia nông nghiệp cũng khuyên anh “bỏ ngay còn kịp”. Song tất cả lời khuyên của mọi người không khiến niềm đam mê nông nghiệp, ý chí làm giàu thôi thúc anh bám trụ mảnh đất này.
Anh Tám bảo: “Làm ông chủ một phút nhưng cũng rất dễ cầm gậy. Bởi vì để được làm ông chủ như hôm nay đã bao phen tưởng chừng tôi phải cầm gậy đi ăn xin”. Số là dịch bệnh bao vây, lợn chết đợt này qua đợt khác, cây không có quả, bao nhiêu vốn liếng cứ thế đội nón ra đi.
Mấy năm đầu nuôi lợn chưa có kinh nghiệm, bị dịch bệnh quét hết cả vốn liếng. Không những thế cây ăn quả càng chăm càng còi cọc. Năm 2010 khi đang nuôi 50 con lợn nái và hơn 300 con lợn thương phẩm thì cơn bão dịch tai xanh, lở mồm long móng ập đến. Cú sốc đó cuốn phăng hơn một nửa lợn nái và toàn bộ lợn thương phẩm, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhiều người thấy thế còn bảo ông Tám thuê khách sạn mà ở chứ nhìn lợn chết như vậy chắc không trụ nổi.
“Những đợt dịch bệnh ấy đã trui rèn một người chưa từng được đào tạo về nông nghiệp như tôi nay còn giỏi hơn cả những người từng học, từng có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, anh Tám nhớ lại.
Trại lợn của anh Tám thu về 3 tỷ đồng một năm sau khi trừ mọi chi phí. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Hiện cơ ngơi của anh Tám trên diện tích 4 hecta được đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện, đường giao thông, giếng khoan sâu 110m và 10 dãy chuồng. Anh nuôi 200 lợn nái bố mẹ/năm; 1.200 heo thịt/lứa (nuôi theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm xuất chuồng 3.000 con); trồng 2.800 gốc cam Vinh và 500 gốc bưởi Diễn, trong đó 1.500 gốc đã cho thu hoạch.
2014 là năm đầu tiên vườn cam, bưởi của anh cho thu hoạch khoảng hơn một tỷ đồng, anh bù cả vào chi phí đầu tư, chưa thu đồng lãi nào. Thế nhưng dự kiến, năm 2015 vườn cam thu khoảng 50 tấn, tương đương 1,5 tỷ đồng; bưởi 500 cây năng suất 70 quả một cây với giá 30.000 đồng một quả, thu về 1,5 tỷ đồng.
Đối với lợn, chi phí đầu tư mỗi con của anh Tám tiết kiệm ít nhất 600.000 đồng so với các trang trại không tự cung ứng được giống. Cụ thể, tiền mua giống 1,2 triệu đồng/con (loại 7 kg); thức ăn 2,6 – 2,7 triệu đồng/con; điện, nước, công lao động, khấu hao tài sản 900.000 đ/con. Sau 3 tháng xuất chuồng trọng lượng mỗi con đạt bình quân một tạ, với giá 48.000 đồng/kg, mỗi con thu về 4,8 triệu đồng. Mỗi năm đàn lợn mang lại lợi nhuận trên dưới 3 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi lợn anh Tám cho rằng, phòng bệnh là quan trọng nhất. Đối với chuồng trại, cần nghiên cứu địa hình, điều kiện thời tiết ở địa phương để xây dựng sao cho phù hợp. Như chuồng trại của anh làm rộng 7-9 m bởi điều kiện khí hậu ở Thanh Hóa nắng nóng hơn các địa phương khác nên nới rộng để tạo độ thoáng cho lợn phát triển. Máng cho lợn ăn được cải tiến làm so le để phù hợp với nhiều lứa lợn, ốp gạch men, vừa đỡ hư hỏng vì lợn phá, vừa sạch sẽ hơn máng gấp.
Đối với cây ăn quả, cũng phải căn cứ vào điều kiện đất đai thổ nhưỡng của vùng đất đó để bố trí cây trồng hợp lý. Vùng đất Bắc Lương vốn rất cằn cỗi nên cam và bưởi đều phải trồng cây cách nhau 3,2 m, hàng cách hàng 4m, chỉ bón phân hữu cơ, NPK và thêm chất tăng độ ngọt cho quả. Việc phun thuốc phòng trừ dịch bệnh phải theo định kỳ và không dùng thuốc kích thích.
Mỗi cây cam, cây bưởi đặt 2 bao phân chuồng dưới gốc chờ khi phân hủy thì bón, đồng thời hàng năm xay thêm ngô, đậu bón xuống để tăng độ ngọt cho quả. Công nhân kiểm tra vườn hàng ngày nhằm phát hiện sâu bệnh kịp thời để phun trừ. Điều này giúp chu kỳ cây ở trang trại anh Tám kéo dài hơn so với các trang trại khác từ 1-2 năm.