Kinh nghiệm nuôi cá Dĩa

Con cá khoẻ mạnh sẽ có biểu hiện nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn bơi chậm rãi, khoan thai và thường thích bơi ở tầm nước trung.

Kinh nghiệm nuôi cá Dĩa - kinh nghiem nuoi ca dia 500x364

 

1. Tuổi và màu sắc của cá

Với những người có ý định nuôi dưỡng cá nhỏ nên mua cá trong khoảng từ 4 – 6 tháng tuổi, tức là lúc đó chúng có đường kính thân (kể cả vây) được khoảng 6 – 7 cm. Đây là giai đoạn cá còn đang phát triển rất nhanh về kích thước, thể trạng cá khoẻ mạnh và có thể chịu được một vài cú sốc ban đầu khi thay đổi môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn …

Nên nhớ rằng khi nuôi dưỡng ở nhà chúng ta, cá sẽ không thể có được một điều kiện chăm sóc lý tưởng để phát triển tối đa do thiếu sự ổn định về môi trường sống (lười thay nước hoặc sự giảm nhiệt độ trong mùa đông ở các tỉnh miền Bắc), thức ăn không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cá … Vì vậy, nếu chọn mua cá quá non tuổi chúng sẽ rất khó khăn trong việc phát triển sau này.

Kinh nghiệm nuôi cá Dĩa - ca dia dua hau do

Với những con cá khoẻ, không bị còi thì ở kích thước như vậy chúng chưa thể có được mầu sắc sặc sỡ của cá trưởng thành. Vậy nên con cá nào ở kích thước như vậy đã có mầu sắc sặc sỡ, đậm nét thì rất có thể là cá đã già tuổi nhưng bị còi cọc. Chúng ta không nên chọn loại này vì chỉ đẹp được trước mắt, chứ nuôi mãi cũng khó mà to lên được. Ngoài ra, cũng cần kể đến trường hợp hiện nay các trung tâm nuôi dưỡng và sản xuất cá đĩa cung cấp cho thị trường thường trước khi xuất hàng ra thị trường 1 tháng thì cho cá ăn các loại thức ăn kích thích mầu sắc hoặc có các thủ thuật nhuộm mầu làm con cá có mầu sắc đẹp, nổi bật nhưng không phù hợp với mầu sắc thật sự tương ứng với độ tuổi của cá. Những trường hợp này, người nuôi sẽ rất dễ bị thất vọng vì thấy càng nuôi, càng thấy mầu sắc cá của mình nhạt bớt đi. Bản chất hiện tượng này sẽ được trình bày ở phần sau (chăm sóc cá đĩa).

– Ngoài ra còn có thể căn cứ vào đường kính mắt cá to hay bé để đoán tuổi cá, nhưng cách này càng khó hơn, đòi hỏi bạn phải là người rất nhiều kinh nghiệm và có thâm niên trong nghề .

2. Quan sát dáng vẻ cá

Con cá khoẻ mạnh sẽ có biểu hiện nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn bơi chậm rãi, khoan thai và thường thích bơi ở tầm nước trung (giữa bể), vây luôn căng, mầu không bị sẫm đen, không nổi nhiều sọc ở mình. Tránh không chọn những con có biểu hiện cụp vây, mầu sẫm và nép sát đáy bể hoặc nép sát các góc bể vì đó là những con cá đang có dấu hiệu bị bệnh hoặc ốm.

Mình cá phải càng dầy càng tốt, chú ý phần bụng cá phải luôn căng vừa phải chứ không bị lép: Có những con do bị nhiễm sán hoặc bị hỏng đường ruột nên không thể tiêu hoá được nhiều thức ăn, do đó bụng cá luôn không có nhiều thức ăn, lâu ngày 2 lớp da dính sát vào nhau nhìn mỏng dính. Những con cá này rất khó nuôi lớn đạt kích thước 12cm trở lên được.

– Vây trên dưới của cá phải phát triển đều cả 2 phía và hình dáng phải có hình tròn mới là cá đẹp và khoẻ. Thông thường cá đĩa khi phát triển tốt thì mình cá sẽ tròn, trừ loài cá Xanh đức là có dáng hơi dài, vì vậy nếu thấy con cá nào có mình hơi dài thì cũng không nên chọn.

3. Thử cho ăn mồi

Nên bảo chủ cửa hàng cho mồi vào bể để thử phản xạ ăn mồi của cá. Với những con khoẻ mạnh, nếu đang ở độ tuổi đã nói ở trên sẽ rất háu ăn và những con khoẻ nhất đàn sẽ tranh ăn của những con khác rất mãnh liệt, ta nên chọn những con đó.

Chú ý rằng: cá đĩa rất hay đớp mồi ngậm trong miệng nhưng lại nhả ra, vì vậy cá được đánh giá là khoẻ khi chúng ăn mồi thật sự chứ không phun hết thức ăn ra ngoài.

Nguồn: Cacanh.vn.

Thảo luận cho bài: Kinh nghiệm nuôi cá Dĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *