Mô hình ương cá Dĩa

Hơn 20 năm qua, với không ít thăng trầm, nhưng anh Nguyễn Văn Huế ở khu phố 5, phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn đam mê và quyết tâm theo đuổi nghề ương cá giống.

Mô hình ương cá Dĩa - mo hinh uong ca dia 500x368

Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, với sự lên hương của con cá dĩa do thị trường xuất khẩu được mở rộng đã giúp kinh tế gia đình anh từng bước khá lên và trở nên giàu có.

Anh Huế cho chúng tôi biết, vào những năm 1980, do nhu cầu thị trường cá thịt phát triển mạnh nên anh quyết định sử dụng hết 1.000 m2 đất tại phường 5, thành phố Mỹ Tho mở trại và tập trung ương một số giống như: trê phi, tai tượng, trê vàng lai, … để cung cấp cho các trại cá giống trong tỉnh. Trong suốt một thời gian dài, hiệu quả mang lại từ trại cá giống là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình anh. Nhưng dần dần, nguồn nước sử dụng từ sông Bảo Định bị ô nhiễm nặng, lượng cá giống do anh ương bị hao hụt ngày càng nhiều, từ đó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Sau thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, năm 2002, anh quyết định chuyển sang ương cá dĩa để cung cấp cá bột giống cho một số trại ở thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành.

 

Đầu tiên, anh lên tận Thành phố Hồ Chí Minh để mua một cặp cá dĩa bố mẹ với giá 300 ngàn đồng (khoảng 1 chỉ vàng 24K vào thời điểm đó) về nuôi thử và nhận thấy cá sinh sản tốt, ít dịch bệnh, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với ương cá thịt nên anh quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Từ cặp cá dĩa ban đầu, sau thời gian lao động miệt mài, đến nay anh đã gầy dựng được cơ ngơi với trên 200 hồ cá thủy tinh, dung tích 120 lít/hồ (khoảng 180 cặp cá bố mẹ đang sinh sản) đặt trong nhà kính có diện tích khoảng 200 m2. Hàng tháng anh xuất bán trên 4.000 cá bột (3 – 5mm) với mức giá trung bình 4.000 đồng/con.

Ngoài ra anh còn đầu tư xây dựng 20 hồ cá nhân tạo (4m x 4m x 0,5m) tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trên phần đất cha mẹ cho để dưỡng cá hương (khoảng 3 tuần tuổi sau khi tách mẹ) mật độ từ 300 – 500 con/hồ, sau 10 – 12 tuần tuổi cá dài từ 5 – 6 cm bán với giá 17.000 – 20.000 đồng/con; đối với cá giống đã tách cặp hoặc có khả năng sinh sản và nuôi con tốt anh bán với giá từ 1,5 – 3,5 triệu đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ việc bán cá bột, cá hương và cá bố mẹ đã mang về cho gia đình anh Huế số tiền trên 100 triệu đồng. Anh Huế cũng cho biết thêm: “Từ năm 2006, việc Hội cá cảnh TP. Hồ Minh ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp cá dĩa sang thị trường một số nước châu Âu và Trung Đông đã mở ra nhiều triển vọng đối với nghề nuôi cá dĩa”.

– Nói về kỹ thuật chăm sóc và ương cá bột giống, anh Huế cho biết, cá hương nuôi từ 12 – 18 tháng tuổi là có khả năng sinh sản, nhưng tốt nhất là 18 tháng tuổi do khi đó hóc–môn tiết nhớt của cá mẹ đã hoàn chỉnh nên tỷ lệ nuôi sống con rất cao. Cá mẹ mỗi tháng đẻ trứng 1 lần, ổ trứng sau 3 ngày nở từ 100 – 500 cá bột, lúc này cá mẹ nuôi con nhờ hóc-môn tiết ra nhớt khắp cơ thể. Sau 8 ngày cá bột được tách ra khỏi mẹ và nuôi riêng, thức ăn cho cá con lúc này chủ yếu là lòng đỏ trứng, đến 3 tuần sau thì xuất bán. Thức ăn cho cá mẹ do anh tự chế biến từ tim bò, tôm sú, philê bò xay nhuyễn rồi trộn với thuốc tảo, vitamin, chất kết dính ép thành bánh rồi trữ lạnh để sử dụng trong nhiều ngày.

Qua tham dự các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tổ chức, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet cũng như qua trải nghiệm thực tế, anh rút ra kinh nghiệm phòng trị bệnh hữu hiệu cho cá thông qua kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, nhiệt độ, độ pH nước trong hồ, oxy hòa tan, …

Đối với nguồn nước, để đảm bảo an toàn, anh sử dụng 100% nước máy sau khi cho vào bể lọc; để giữ nhiệt độ nước trong hồ ổn định từ 28 – 30oC (thích hợp nhất cho cá), anh xây dựng nhà kính cách ly với môi trường bên ngoài và điều chỉnh nhiệt độ bằng hệ thống đèn dây tóc; để giữ độ pH trong hồ ổn định ở mức từ 6 – 6,2, anh sử dụng acid phosphoric hòa vào nước với dung lượng phù hợp (mỗi hồ được đánh số riêng để tiện việc kiểm tra, theo dõi); ngoài ra, để giúp cá hô hấp tốt, anh lắp đặt một máy thổi ôxy công suất 110W, hoạt động 24/24, vừa tăng lượng ôxy hòa tan, vừa tạo chênh lệch áp suất để rút cáu cặn vào lọc sinh học đặt dưới mỗi đáy hồ, giúp làm sạch và tiết kiệm được nguồn nước máy.

Mô hình ương cá Dĩa - dua hau do

Để các thiết bị điện hoạt động liên tục, anh lắp đặt hệ thống điều khiển tự động để phòng khi mất điện (ngay cả khi anh đi vắng), thiết bị này sẽ tự động điều khiển máy phát điện khởi động để cung cấp nguồn điện thay thế kịp thời.

Nhờ kiểm soát tốt nhiệt độ, cung cấp đủ lượng ôxy nên cá không bị mắc các chứng bệnh về mang; ngoài ra các bệnh nấm ngoài da, bệnh đường ruột cũng ít xảy ra do lượng thức ăn được cung ứng vừa đủ và nước trong hồ ít bị nhiễm khuẩn. Từ đó, giúp giảm tỷ lệ cá bột hao hụt, tiết giảm chi phí nên hiệu quả mang lại khá cao.

Có thể nói với đức tính siêng năng, cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, anh Nguyễn Văn Huế đã từng bước gầy dựng cơ ngơi, gặt hái được nhiều thành công với nghề nuôi cá dĩa và sớm trở nên giàu có từ chính đôi tay cần lao của mình.

Nguồn: kithuatnuoitrong.com

Thảo luận cho bài: Mô hình ương cá Dĩa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *