Chim công là loài không quá khó để chăm sóc nhưng nếu không áp dụng đúng kỹ thuật, hiệu quả sẽ không cao. Trong đó, giai đoạn ấp nở chim công cần phải lưu ý nhiều nhất để không bị hao hụt về số lượng.
Chim công là loài không quá khó để chăm sóc nhưng nếu không áp dụng đúng kỹ thuật, hiệu quả sẽ không cao. Trong đó, giai đoạn ấp nở chim công cần phải lưu ý nhiều nhất để không bị hao hụt về số lượng.
Chim công sau khoảng gần 2 năm nuôi là bước vào giai đoạn trưởng thành và bắt đầu có được khả năng sinh sản. Chim công trống trưởng thành có thể nặng từ 10 – 14kg còn trọng lượng chim mái chỉ bằng 2/3 chim trống. Mùa sinh sản của chim công kéo dài từ mùa xuân đến mùa hạ. Chu kỳ sinh sản đầu tiên của chim có chất lượng vừa phải và tỉ lệ trứng thấp. Bắt đầu từ chu kỳ sau, đặc biệt là từ năm thứ ba trở đi, khả năng sinh sản của chim trở nên ổn định. Loài chim công má vàng thường cho khoảng 8 đến 12 trứng một năm trong khi đó chim công Ấn Độ lại cho tới 25 đến 35 trứng mỗi năm.
Chim Công
Thời gian cho ấp trứng kéo dài trung bình từ 26 đến 27 ngày với ba cách ấp chủ yếu. Cách thứ nhất thuận theo tự nhiên là để chim công mái ấp. Tuy nhiên, cách ấp này thường chỉ mang lại tỉ lệ thành công từ 40 – 50% bởi vì công mẹ trong khi ấp trứng hễ thấy có người đến là hay nhổm dậy đi ra khỏi ổ. Điều này khiến cho nhiệt độ của trứng không được đảm bảo dẫn đến tỉ lệ trứng nở thấp. Cách ấp thứ hai là để loài khác ấp trứng chim công, ví dụ như cho gà ấp sẽ cho tỉ lệ trứng nở lên đến 60%. Mỗi con gà có thể ấp được tối đa sáu trứng chim công. Dùng máy công nghiệp để ấp trứng là cách thức thứ ba và đây cũng là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu đảm bảo chất lượng của phôi trứng đượctốt, thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật thì tỉ lệ thành công có thể đến 90%.
Trứng chim Công
Đối với cách ấp bằng máy, thời gian chờ để cho vào lò ấp là từ 7 – 10 ngày đối với trứng đầu vụ và từ 3 – 5 ngày đối với trứng trung và cuối vụ. Cần chú ý nhiệt độ ấp trứng phải thay đổi theo từng giai đoạn. Khoảng thời gian từ 1 – 7 ngày đầu, nhiệt độ ấp cần duy trì là 37 – 38.2 độ C, từ 7 – 15 ngày tiếp theo giảm mức nhiệt xuống khoảng 36.5 – 37 độ C. Từ ngày thứ 15 – 20 tiếp tục giảm nhiệt độ trong lò ấp xuống 36.2 – 36.5 độ C; bước sang ngày 20 trở đi thì duy trì mức nhiệt 36.2 độ C. Độ ẩm cũng là yếu tố cần quan tâm nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất cho việc ấp nở trứng. Thông thường độ ẩm vào khoảng 60 – 70% là phù hợp. Tuy nhiên, tùy vào thời kỳ ấp nở cụ thể mà người nuôi điều chỉnh độ ẩm tốt nhất; ví dụ đối với lứa trứng đầu và giữa vụ cần giảm độ ẩm, với trứng cuối vụ lại cần độ ẩm cao hơn. Sau khi trứng chim nở, người nuôi nên cho ngay chim non vào lồng úm để chăm sóc, đảm bảo sức khỏe tốt cho chim.
Chỉ cần lưu ý theo đúng kỹ thuật thì tỉ lệ ấp nở chim công là rất cao, hứa hẹn mang lại một đàn chim khỏe mạnh, lợi nhuận cao cho người nuôi.
Theo Phúc Nguyên