Kỹ thuật trồng cây Bồ đề

Bồ đề tên khoa học: Styrax tonkinensis (Pierre) Craib. ex Hardw. Họ thực vật: Bồ đề (Styracaceae).

1. Đặc điểm hình thái

Cây gỗ trung bình, cao 18-20m, có thể trên 20m, đường kính ngang ngực 20-25cm. Thân cây màu trắng, tương đối tròn, vỏ mỏng. Tán cây mỏng và thưa. Rễ cọc phát triển yếu, ngược lại hệ rễ bàng phát triển mạnh và tậptrung trên 80% ở tầng đất mặt 0-20cm, do vậy độ phì tầng đất mặt có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Bồ đề.

Kỹ thuật trồng cây Bồ đề - ky thuat trong cay bo de 640x429

2. Đặc tính sinh thái

Bồ đề là loài cây đặc hữu, mọc phổ biến ở miền Bắc trong rừng lá rộng thường xanh bị phá tán hoặc rừng gỗ xen Tre, Vầu, Nứa. Phân bố tương đối rộng ở nhiều vùng thuộc miền núi phía Tây Bắc, Việt Bắc xuống đến miền Tây Thanh Hóa và còn lác đác tới biên giới Nghệ An – Lào. Thường gặp nhiều nhất ở Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, song cũng có mặt ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, dọc theo phần trên của các lưu vực sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Mã. Bồ đề được trồng ở vùng Trung tâm Bắc Bộ nhiều năm nay.

Bồ đề thường mọc tự nhiên sau nương rẫy hoặc sau lúc rừng vừa mới bị phá để phơi đất trống, đất còn tốt, trên hầu hết các đất khác nhau về đá mẹ, trừ đất đá vôi. Ở đó, Bồ đề mọc thuần loại hoặc xen lẫn với nứa, cây gỗ.

Bồ đề là loài cây tiên phong, đòi hỏi nhiều ánh sáng, chịu rét tương đối khỏe, nhưng không chịu được nhiệt độ cao (nhất là cây non) và khô hạn. Vì vậy chỉ thấy chúng có ở các vùng ẩm còn mang tính chất đất rừng rõ rệt. Bồ đề là loài cây mọc nhanh, chu kỳ khai thác ngắn 10-12 năm.

Bồ đề có thời kỳ rụng hết lá, ngừng sinh trưởng vào khoảng từ tháng 11-12 đến tháng 1-2 năm sau. Đặc điểm rụng lá, tán thưa thảm mục ít là các nhược điểm cơ bản của rừng Bồ đề để phòng hộ bảo vệ môi trường. Có 2 loại Bồ đề, loại nhiều nhựa mọc ở vùng cao, loại ít nhựa mọc ở vùng thấp là loại thường được trồng để lấy gỗ.

Bồ đề thích hợp với nhiệt độ trung bình năm 19-23oC, lượng mưa 1500-2000 mm/năm, số tháng khô không quá 3 tháng, không bị ảnh hưởng của gió Lào và phơn khô nóng.

Trồng thích hợp trên các loại đất feralit vàng, đỏ vùng đồi, núi thấp, có tầng phong hóa dày và thành phần cơ giới  tương đối nặng phát triển trên các đá mẹ gnai, phiến thạch mica, philit, trầm tích nêôgen, pocphiarit, phù sa cổ. Có thể mở rộng trồng trên đất feralit phát triển trên các đá mẹ riôlit, acgilit, phiến thạch sét. Cây mọc khỏe nơi đất sâu ẩm; không ưa đất đá vôi, đất đọng nước, đất bị glây; sinh trưởng kém nơi đất đã thoái hóa, đất cát và đất đá ong.

3. Giống và tạo cây con

Thu hái hạt giống:

Chỉ thu hái quả ở những cây 5 tuổi trở lên. Cây không sâu bệnh, không lệch tán, không mọc ở bìa rừng, không cụt ngọn. Tháng 9-10 quả chín, khi chín vỏ quả màu bạc có điểm phớt trắng, phần đầu quả có vết nứt. Vỏ hạt màu đen thẫm hoặc vàng da bò. Dùng cù nèo hoặc tay bẻ cành nhỏ dưới 1cm có quả.

Xử lý, bảo quản hạt giống:

Quả sau khi thu hái phải được xử lý ngay, không để quá 2 ngày. Loại bỏ tạp chất, trộn quả với cát có độ ẩm 20-22% (1 phần quả/1 phần cát theo thể tích). Vun thành luống dài 10m rộng 1,5m cao 0,15m. Tưới nước định kì 3 ngày 1lần bằng bình hoa sen lỗ nhỏ, lượng nước 40-50 lít cho một luống. Hàng ngày đảo xới 2 lần (sáng, chiều). Xới xong san phẳng, không nén chặt. Xử lý ban đầu như vậy khoảng 35-40 ngày kể từ khi hái.

Khi vỏ quả chuyển từ màu vàng xanh và cứng sang màu xám và mềm xốp thì quả đạt yêu cầu chất lượng xử lý ban đầu và chuyển sang bảo quản ổn định.

Sàng quả ra khỏi cát và lại trộn quả trong cát ấm 20-22% theo tỷ lệ 3 phần quả/1 phần cát (tính theo thể tích). Vun thành luống dài tùy điều kiện, rộng 1,5m, cao 0,6, không nén chặt. Phủ luống một lớp cát ẩm dày khoảng 3-4cm. Hàng tháng chăm sóc một lần, vào ngày định kỳ. Đảo quả, tưới ẩm 40-60 lít nước cho một luống quả dài 10m cao 0,6m rộng 1,5m, sau đó lại đánh luống như cũ. Hàng năm kiểm tra vào tháng 10 nếu tỷ lệ nảy mầm giảm 10% so với tỷ lệ nảy mầm ban đầu (trên 70%) thì đem sử dụng ngay.

Gieo ươm:

Dùng bầu hình trụ không đáy, dài 12cm, đường kính 6-7cm, khối lượng 0,3 đến 0,35kg/bầu để ươm cây giống.

Đất ruột bầu là 79% lớp đất mặt (sâu 0-10cm) của rừng cây gỗ hoặc giang tốt + 20% phân chuồng + 0,5% supe lân + 0,5% đạm sunfat.

Xếp bầu theo luống, cách nhau 2-3cm. Giữa các bầu lèn đất. Trên có dàn che bóng 50% ở độ cao 30cm.

Cấy hạt đã nảy mầm vào bầu. Hạt nảy mầm đến đâu đem cấy ngay, không làm gãy mầm.

Giữ ẩm thường xuyên cho bầu. Khi cây có 2 lá mầm, rỡ bỏ dàn che, chăm sóc đến lúc đem trồng.

Tiêu chuẩn cây con đem trồng:

Cây ươm 45-60 ngày tuổi, cao 10-15cm, có 5-7 lá, không bị sâu bệnh hại.

4. Trồng và chăm sóc rừng

Đất trồng Bồ đề được phân thành 6 hạng dựa vào cấp độ thoái hóa đất rừng theo tiêu chuẩn Nhà nước TCVN 3131-79 ban hành kèm theo quyết định số 657 ngày 27/12/1979 của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nó tùy thuộc vào đặc điểm phẫu diện đất và thảm thực bì chỉ thị độ thoái hóa của đất. Trong đó, độ dày đất đóng vai trò chủ đạo.

Hạng I: Đất rừng nguyên trạng và thoái hóa rất nhẹ (đất tầng A dày trên 15cm, mùn trên 4%, tơi xốp);

Hạng II: Đất rừng thoái hóa nhẹ (đất tầng A dày trên 10cm, mùn 3,5-4%, xốp);

Hạng III: Đất rừng thoái hóa trung bình (đất tầng A dày trên 10cm, mùn 3-3,5%, xốp vừa);

Hạng IV: Đất rừng thoái hóa khá nặng (đất tầng A dày trên 5cm, mùn 2-3%, xốp kém);

Hạng V: Đất rừng thoái hóa nặng (đất tầng A dày dưới 5cm, 1-2% mùn, chặt);

Hạng VI: Đất rừng thoái hóa rất nặng (không có tầng A, mùn dưới 1%).

Đất hạng V và VI thường không sử dụng để trồng Bồ đề.

Đất hạng I trồng mật độ 1600 cây/ha (2,5×2,5m) đến 2000 cây/ha (2,5x2m), hạng II trồng 2000 cây/ha đến 2500 cây/ha (2x2m), hạng III trồng 2500 cây/ha đến 3300 cây/ha (1,8×1,8m) hoặc (2×1,5m).

Trên đồi bát úp, dốc ngắn, phát trắng toàn bộ; nơi đồi núi dốc trên 25o, cần chừa dải rừng trên đỉnh rộng ít nhất 10m mỗi bên sườn; ở nơi sườn dốc dài trên 100m thì cần chừa lại những băng rừng rộng 6-10m theo đường đồng mức, cách nhau 50-60m. Đốt thực bì những nơi đã phát trước khi cuốc hố 10-15 ngày.

Có thể trồng Bồ đề bằng cách gieo hạt thẳng, trồng bằng cây có bầu hay trồng cây thân cụt tùy theo thời vụ và đất đai và điều kiện, trong sản xuất thường gieo hạt thẳng.

Hạt giống Bồ đề phải đảm bảo theo quy định tại các tiêu chuẩn nhà nước TCVN 3127-79, TCVN 3128-79, TCVN 3129-79 và TCVN 3130-79 ban hành kèm theo quyết định số 657/QĐ ngày 27/12/1979 của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

– Gieo hạt thẳng:

Cuốc hố với kích thước 20x20x30cm. Sau khi cuốc hố, gieo ngay. Mỗi hố gieo 5-6 hạt đặt cách nhau 5cm, lấp dày 2cm.

Thời vụ gieo từ tháng 10 đến tháng 12, không gieo hạt quá muộn tới tháng 2 dương lịch.

– Trồng bằng cây có bầu:

Đào hố với kích thước 30x30x30cm.

Thời vụ trồng vào các tháng 1, 2, 3. Khi trồng không được làm vỡ bầu, xé bỏ vỏ bầu.

– Trồng bằng cây thân cụt:

Cây thân cụt được lấy từ cây gieo ươm đảm bảo tiêu chuẩn là có tuổi 10 đến 12 tháng, cao 1,2-1,5m, đường kính gốc 1-2cm. Cắt bỏ thân, để lại một đoạn dài 3-5cm tính từ cổ rễ.

Đào hố rộng 35-40cm, sâu 30cm. Trồng vào tháng 1-2. Khi trồng không để rễ bị cong, lấp đất kín cổ rễ, chỉ chừa lại phần thân trên mặt đất từ 2-3cm.

Sau 7-10 ngày cây đâm chồi mới. Theo dõi sau một tháng nếu thấy tỷ lệ cây sống không quá 85% thì phải tiến hành trồng dặm ngay trong mùa gieo trồng năm đó. Dặm bằng cây con có bầu.

Chăm sóc rừng 3 năm liền:

– Năm thứ nhất 4 lần:

Lần 1: Sau 15-20 ngày đối với cây có bầu, khi cây có 3-5 lá. Phá váng, xới nhẹ quanh hố. Tỉa để lại 1-2 chồi khỏe đối với cây thân cụt.

Lần 2: Khi cây cao 25-30cm, phát cỏ dại, mức độ phát quang mạnh yếu tùy thuộc thời tiết và mức độ sinh trưởng của cây con mà quyết định. Chừa lại những cây lá rộng tái sinh, bụi Giang, Nứa không ảnh hưởng đến cây trồng, tỉa tiếp chỉ để lại một chồi khỏe đối với cây thân cụt.

Lần 3: Khi cây cao 60-70cm, phát cỏ dại, cắt dây leo. Tỉa để lại 1 cây/hố đối với biện pháp gieo hạt thẳng.

Lần 4: Vào tháng 10-11 phát cỏ dại, dây leo, cây bụi chèn ép. Cuốc lấp đất sâu 10-15cm, bán kính 60cm, vun đất vào gốc.

– Năm thứ hai: Cây trồng gần khép tán, chăm sóc 2 lần. Nội dung chăm sóc gồm chặt cây leo, cây bụi chèn ép, xới đất quanh gốc rộng 60cm và vun gốc cây.

– Năm thứ ba: Chặt dây leo, tỉa thưa hạ bớt mật độ (nếu cần). Chặt bỏ cây bị sâu bệnh hại, song phải để lại tất cả những cây tái sinh không ảnh hưởng đến Bồ đề. Xới đất quanh gốc rộng 60cm và vun gốc cây.

5. Khai thác, sử dụng

Tỉa thưa rừng Bồ đề trồng thuần loại áp dụng quy trình QTN22-82 ban hành kèm theo quyết định số 474/QĐ/Kth ngày 14/5/1982 của Bộ Lâm nghiệp. Rừng đưa vào tỉa thưa khi có độ tàn che 0,7 trở lên, đã xuất hiện cây tỉa cành tự nhiên, thảm tươi sắp suy tàn. Rừng Bồ đề trồng cung cấp nguyên liệu giấy phải được tỉa thưa 2 lần từ khi khép tán đến khi khai thác chính ở tuổi 10. Tỉa lần đầu vào tuổi 2, lần 2 vào tuổi 3.

Đối với đất hạng I trồng 2000 cây/ha, tỉa thưa lần đầu với cường độ 50-55%, giữ lại 900-1000 cây có đường kính 6,5-7,5cm; tỉa thưa lần 2 với cường độ 25-35%, giữ lại 650-700 cây có đường kính 9,5-10cm.

Đối với đất hạng II trồng 2500 cây/ha, tỉa thưa lần đầu với cường độ 50-55%, giữ lại 1100-1250 cây có đường kính 5,5-6,5cm; tỉa thưa lần 2 với cường độ 35-40%, giữ lại 700-750 cây có đường kính 8,5-9,5cm.

Đối với đất hạng III trồng 3300 cây/ha, tỉa thưa lần đầu với cường độ 50-55%, giữ lại 1500-1650 cây có đường kính 5-6cm; tỉa thưa lần 2 với cường độ 500%, giữ lại 750-800 cây có đường kính 7-8,5cm.

Gỗ Bồ đề mềm, nhẹ, thuộc nhóm VIII, thớ mịn và đều, co ít, dễ xẻ, dễ chẻ nhỏ, bóc thành những tấm mỏng và không bị cong vênh, song dễ gãy. Gỗ Bồ đề đồng nhất, không lõi, tỷ lệ vỏ thấp, rất thuận tiện trong công nghiệp giấy. Bồ đề được dùng chủ yếu trong công nghiệp giấy và làm diêm.

Gỗ Bồ đề có nhựa thơm gọi là cánh kiến trắng (an tức hương, Benzoin), là nguyên liệu được dùng trong y học, chế biến định hương trong công nghệ nước hoa, chống ôi khét bảo quản mỡ béo, điều chế axit benzoic, trong công nghiệp chế biến véc ni và một số loại sơn đặc biệt.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật trồng cây Bồ đề

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *