Cây Bồ Đề

Bồ Đề có tên khoa học: Styrax tonkinensis (Pierre) Craib. ex Hardw. Họ thực vật: Bồ đề (Styracaceae).

Cây Bồ Đề - cay bo de 500x332

 

1. Đặc điểm hình thái

Cây gỗ trung bình, cao 18-20m, có thể trên 20m, đường kính ngang ngực 20-25cm. Thân cây màu trắng, tương đối tròn, vỏ mỏng. Tán cây mỏng và thưa. Rễ cọc phát triển yếu, ngược lại hệ rễ bàng phát triển mạnh và tậptrung trên 80% ở tầng đất mặt 0-20cm, do vậy độ phì tầng đất mặt có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Bồ đề.

Cây Bồ Đề - Bo de 2

2. Đặc tính sinh thái

Bồ đề là loài cây đặc hữu, mọc phổ biến ở miền Bắc trong rừng lá rộng thường xanh bị phá tán hoặc rừng gỗ xen Tre, Vầu, Nứa. Phân bố tương đối rộng ở nhiều vùng thuộc miền núi phía Tây Bắc, Việt Bắc xuống đến miền Tây Thanh Hóa và còn lác đác tới biên giới Nghệ An – Lào. Thường gặp nhiều nhất ở Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, song cũng có mặt ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, dọc theo phần trên của các lưu vực sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Mã. Bồ đề được trồng ở vùng Trung tâm Bắc Bộ nhiều năm nay.

Bồ đề thường mọc tự nhiên sau nương rẫy hoặc sau lúc rừng vừa mới bị phá để phơi đất trống, đất còn tốt, trên hầu hết các đất khác nhau về đá mẹ, trừ đất đá vôi. Ở đó, Bồ đề mọc thuần loại hoặc xen lẫn với nứa, cây gỗ.

Bồ đề là loài cây tiên phong, đòi hỏi nhiều ánh sáng, chịu rét tương đối khỏe, nhưng không chịu được nhiệt độ cao (nhất là cây non) và khô hạn. Vì vậy chỉ thấy chúng có ở các vùng ẩm còn mang tính chất đất rừng rõ rệt. Bồ đề là loài cây mọc nhanh, chu kỳ khai thác ngắn 10-12 năm.

Bồ đề có thời kỳ rụng hết lá, ngừng sinh trưởng vào khoảng từ tháng 11-12 đến tháng 1-2 năm sau. Đặc điểm rụng lá, tán thưa thảm mục ít là các nhược điểm cơ bản của rừng Bồ đề để phòng hộ bảo vệ môi trường. Có 2 loại Bồ đề, loại nhiều nhựa mọc ở vùng cao, loại ít nhựa mọc ở vùng thấp là loại thường được trồng để lấy gỗ.

Bồ đề thích hợp với nhiệt độ trung bình năm 19-23oC, lượng mưa 1500-2000 mm/năm, số tháng khô không quá 3 tháng, không bị ảnh hưởng của gió Lào và phơn khô nóng.

Trồng thích hợp trên các loại đất feralit vàng, đỏ vùng đồi, núi thấp, có tầng phong hóa dày và thành phần cơ giới  tương đối nặng phát triển trên các đá mẹ gnai, phiến thạch mica, philit, trầm tích nêôgen, pocphiarit, phù sa cổ. Có thể mở rộng trồng trên đất feralit phát triển trên các đá mẹ riôlit, acgilit, phiến thạch sét. Cây mọc khỏe nơi đất sâu ẩm; không ưa đất đá vôi, đất đọng nước, đất bị glây; sinh trưởng kém nơi đất đã thoái hóa, đất cát và đất đá ong.

Nguồn: vafs.gov.vn

Thảo luận cho bài: Cây Bồ Đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *