Hiện nay, nhu cầu sử dụng Diệp hạ châu (DHC) chưa cao, nên còn dựa vào cây mọc hoang mà chưa có nơi trồng đại trà. Để chủ động cho việc có thuốc chữa bệnh, ý tưởng trồng DHC là rất đúng. Dưới đây, CTQ xin giới thiệu cách chọn giống, gieo trồng cây thuốc này.
Chọn giống, thu hoạch bảo quản giống Diệp hạ châu đắng: Trong thiên nhiên có nơi cả hai loài DHC đắng và ngọt mọc xen kẽ nhau, nhưng nhiều nơi chỉ còn hoặc DHC đắng hoặc Diệp hạ châu ngọt. Nhưng khi trồng ta phải chọn giống tốt, thuần chủng thì dược liệu mới có năng suất và hiệu quả chữa bệnh cao.
Đặc điểm DHC đắng là có lá thưa, thân và lá màu xanh nhạt, vị đắng (rất đắng). Vì vậy, không thể lẫn với DHC ngọt (không có vị). Ban đầu ta phải chọn giống ở cây mọc hoang. Cây DHC (củ đắng và ngọt) là cây cỏ có thể sống nhiều năm (Chỉ bị chết khi úng ngập). Cây ra hoa kết quả từ tháng 3 đến tháng 12 (thực ra tháng 1 và tháng 2 vẫn có hoa nhưng rất ít đậu quả). Do đó, ta còn có thể thu hạt giống từ tháng 5 đến tháng 12 (trên cả cây lưu niên và cây mới mọc tháng 1).
Diệp hạ châu là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Cây sống được trên nhiều loại đất (đất bazan, đất pha cát, đất cát, đất phù sa…) và pH thích hợp từ 5,0 đến 6,5. Biên độ nhiệt thích hợp cho cây sinh trưởng là 25-300C. Cây ra hoa quả nhiều, tái sinh tốt từ hạt; vòng đời kéo dài 3-5 tháng.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Mùa vụ trồng:
Gieo hạt ở vườn ươm: tháng 1-2; trồng cây con: tháng 2-3; thu hoạch: tháng 4-5 (sau khi trồng 45-50 ngày). Nhìn chung, thời vụ trồng diệp hạ châu kéo dài cả mùa khô, tận dụng trời nắng để phơi. Theo kinh nghiệm nông dân thì các tháng từ tháng 1 đến tháng 6 cho năng suất cao. Từ tháng 7 đến tháng 9 vẫn có thể gieo trồng nhưng năng suất thấp hơn.
- Đất trồng:
Cây có thể phát triển trên mọi loại đất, trừ đất trũng, nơi úng ngập. Tốt nhất là đất pha cát và đặc biệt đất phải đủ ẩm. Có thể trồng riêng rẽ hoặc xen canh trong vườn cây ăn quả chưa khép tán.
- Gieo hạt và chăm sóc cây con trong vườn ươm
Đất vườn ươm được cày bừa kỹ, vơ hết cỏ, bón lót phân quy ra 1 ha: phân chuồng 30 tấn; phân vi sinh 10 tấn; vôi bột 500kg. Đất vườn ươm lên luống rộng 1 m, cao 20-25 cm. Lượng hạt giống gieo trong vườn ươm 3g/m2 đất (Nếu gieo thẳng vào luống thì lượng hạt giống là 1g hạt giống/10m2 đất).
Trước khi gieo cần xử lý bằng Atonik với tỷ lệ 1 gói Atonik 10g pha với 40 lít nước cho 8 kg hạt giống. Hạt ngâm trong dung dịch này 4 giờ, sau vớt ra để ráo nước, trộn với cát ẩm ủ 3-4 ngày cho đến khi thấy nứt nanh thì đem gieo. Tỷ lệ cây mọc của hạt giống Diệp Hạ Châu đạt 80-95%.
Gieo vãi đều trên mặt luống, xoa nhẹ mặt luống cho lấp hạt, dùng rơm rạ che phủ rồi tưới nước cho ướt rơm rạ để giữ ẩm cho đất. Sau 10 ngày có thể bỏ vật che phủ.
Lưu ý: Đề phòng kiến ăn hạt, sau khi gieo cần phun thuốc basudin (theo liều lượng được nhà sản xuất ghi trên bao bì).
Hạt diệp hạ châu sẽ mọc sau 5-7 ngày. Khi câu con có 3-4 lá thật cần tỉa bỏ những cây yếu, chỉ để lại mật độ 2×2 cm / cây. Quá trình chăm sóc cây con ở vườn ươm đơn giản, luôn tưới nước cho đất ẩm, sau 20-25 ngày nhổ đi trồng. Lúc này cây giống cao 10–15cm, thân mập, có bộ rễ phát triển thì chúng ta tiến hành đánh cây đi trồng ra hốc.
- Cấy cây con và chăm sóc trên đồng ruộng
a/ Làm đất
Diệp hạ châu được trồng trên đất pha cát hay đất cát pha và đất bạc màu vùng ven biển, nên được cày bừa kỹ, lợi trừ hết cỏ dại. Lượng phân chuồng, phân vi sinh bón lót tương tự như ở vườn ươm. Nếu đất có pH dưới 5, cần bón lót tới 1 tấn vôi bột/ha. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, đất trồng diệp hạ châu cần lên luống rộng 1-1,5 m, cao 20-25 cm và rãnh rộng 30cm.
b/ Trồng cây con
Khi cây cao 10-15cm thì chúng ta có thể tiến hành trồng ra hốc. Với khoảng cách cây cách cây 20×20cm. Cây trồng xong, tưới nước ngay; sau 3 ngày dùng dung dịch Atonik 0,1% (1 gói 10 g pha với 10 lít nước) phun vào luống cho cây mau bén rễ; sau 7 ngày xới đất phá váng lần 1; sau 10 ngày phun dung dịch Atonik lần 2, cây trồng cần làm cỏ và xới đất 1 lần nữa trước khi tán lá giao nhau.
Lưu ý: do trồng vào mùa khô nên thường xuyên phải tưới nước. Thời gian tưới nước tốt nhất là lúc chiều tối hoặc trước 9h sáng.
Kỹ thuật thu hái và bảo quản hạt giống:
Do đặc điểm cuống quả DHC bám vào cành rất dai, chỉ khi quả khô, tách vỏ, hạt mới bắn ra nên khi thu hoạch chúng ta cần lưu ý như sau:
– Phải chọn cành có nhiều quả già
– Cây Diệp Hạ Châu thu hoạch lứa đầu tiên khi 3/4 số cây có hoa quả.
– Cách thu: cắt cây, chừa khoảng 20cm gốc (để các cành ngủ mau tái sinh).
– Phơi khô: Khi phơi phải trải mỏng, dưới lót tấm vải nhựa để tránh rơi mất hạt, sau 3 ngày phơi nắng trực tiếp hoặc hong gió, quả già sẽ tách vỏ hết. Để kiểm tra độ khô thì ta tiến hành bẻ thân, thấy cây khô giòn là được.
– Thu lấy hạt và cành lá rụng để bảo quản. Hạt để làm giống (thu lấy hạt, loại bỏ tạp chất, phơi lại 1-2 nắng cho khô), lá và cành khô làm thuốc.
Bảo quản: Để hạt khô trong chai, lọ sạch khô kín. Cành và lá DHC sau khi thu hạt cho vào túi khô, sạch kín và đây là dược liệu chính phẩm.
Nguồn: Sưu tầm