Nội dung chính
Ổi voi ra hoa làm 2 đợt: đợt 1 vào tháng 4-5, chín vào tháng 7-8; đợt 2 ra hoa vào cuối năm và cho quả chín vào dịp Tết.
Ổi voi là giống cây ăn quả mới được nhập từ Malaysia. Quả tròn, to (300-800g/quả), cùi dày, ít hạt, mềm, ngọt, thơm…, thích hợp cho việc chế biến. Cây dễ trồng, không kén đất, chịu úng, hạn và kháng bệnh cao. Sau một năm trồng cây đã cho quả.
Thời vụ trồng
Trồng ổi voi vào vụ xuân (tháng 2-3) và vụ thu (tháng 8-10) ở các tỉnh phía bắc. Còn các tỉnh phía nam nên trồng vào đầu mùa mưa. Cũng có thể trồng ổi voi quanh năm nhưng phải bảo đảm tưới và che chắn cho cây tới khi bén rễ, đâm cành.
Chuẩn bị đất
Ổi voi không kén đất, nhưng nên chọn đất có tầng canh tác dày, đất tơi, xốp, giữ nước và thoát nước dễ dàng. Nên đào hố rộng, sâu, bón lót trước khi trồng vài tuần. Mật độ trồng 4x4m hoặc 5x5m.
Cách trồng
Cây giống có thể chiết hoặc ghép mắt, vì trồng từ hạt sẽ lâu cho quả.
Nếu ở vùng dễ ngập nước nên vun gốc cao hơn mặt đất 10-15cm, nếu ở vùng đồi, khô hạn, nên để hố lõm xuống 10-15cm. Sau khi trồng xong tưới ngay cho cây.
Chăm sóc
– Với cây giống là cây ghép nên vun gốc cao hơn mắt ghép và loại bỏ các mầm mọc từ gốc ghép. Khi cành mọc ra từ gốc ghép ban đầu (cấp 2) được 40-50cm tiến hành bấm ngọn để cây bật cành cấp 3. Giữ độ 8-10 cành cấp 3.
Năm đầu tiên không cần bón nhiều phân, chỉ cần khoảng 200g NPK/cây. Các năm sau bón tăng dần. Nên lấy bùn ao đắp thêm vào các gốc để tăng nguồn dinh dưỡng cho cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Ôi voi thường bị các loại sâu bệnh như rệp, các loại sâu ăn lá, ruồi đục quả, bệnh đốm quả… gây hại.
– Đối với rệp, các loại sâu ăn lá, ruồi đục quả dùng Sherpa 0,2-0,3%, Tribon 0,2% phun lên cây.
– Đối với bệnh đốm trên quả, dùng Ridomil 0,2% hoặc Anvil 0,2% phun vào tháng 5-6 làm 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày.
Thu hoạch
Ổi voi ra hoa làm 2 đợt: đợt 1 vào tháng 4-5, chín vào tháng 7-8; đợt 2 ra hoa vào cuối năm và cho quả chín vào dịp Tết.
Khi quả bắt đầu chín có mầu vàng sáng, nên tiến hành thu hoạch ngay. Thu hái quả vào buổi chiều.
Nguồn: sưu tầm