Nội dung chính
Sàng ăn (feeding tray) thường được sử dụng để kiểm soát việc cho ăn quá mức trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm.
Nó thỉnh thoảng được sử dụng để cung cấp 100% lượng thức ăn hàng ngày cho tôm, hoặc sử dụng một vài sàng ăn để đánh giá hiệu quả sử dụng thức ăn trong hệ thống nuôi. Nó giúp làm giảm chi phí thức ăn trên một đơn vị sản lượng thu hoạch, nhưng có rất ít đề cập đến hiệu quả của việc sử dụng sàng ăn trong lợi nhuận tổng thể trong một vụ nuôi.
1. Ưu điểm của việc sử dụng sàng ăn
– Sử dụng sàng ăn giúp giảm hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR).
– Góp phần làm giảm chi phí thức ăn.
– Giúp cải thiện tăng trưởng của tôm nuôi.
– Nâng cao chất lượng nước, giúp nâng cao mật độ nuôi, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường.
– Giúp cho người nuôi tôm đánh giá các động vật ăn thịt và các loài cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi trong ao.
– Giúp đánh giá các kích cỡ khác nhau của tôm nuôi trong ao.
– Giúp quan sát tôm nuôi, đánh giá và có thể đưa ra quyết định sớm trong việc quản lý cho ăn, giúp quan sát tình hình sức khỏe của tôm (tôm bệnh hay có các biểu hiện bất thường) và thời điểm thu hoạch phù hợp.
– Giúp phát hiện tôm chết thông qua sàng ăn.
– Quản lý thức ăn tốt thông qua sàng ăn sẽ giữ cho đáy ao luôn được sạch sẽ.
2. Nhược điểm của việc sử dụng sàng ăn
– Những người quản lý hoặc trực tiếp cho tôm ăn phải có kỹ năng, có trách nhiệm cao và được đào tạo kỹ lưỡng.
– Sử dụng sàng ăn mà không có sự giám sát thích hợp của người có kinh nghiệm sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng cho ao nuôi.
– Sàng ăn nên được gắn phao, không nên gắn cố định ở một độ sâu nhằm tránh trường hợp đáy ao bị lõm, sàng ăn không tiếp đất được. Khi đó, nếu có một nhóm 2 người cho tôm ăn sẽ làm cho chi phí thức ăn tăng cao do không nắm được “địa hình” đáy ao nơi đặt sàng ăn, dễ đẫn đến rơi vãi thức ăn khỏi sàng ăn và hiểu sai về lượng thức ăn thực tế mà tôm đã ăn.
– Số lần cho ăn hàng ngày giới hạn, vì cần thời gian cho thức ăn vào sàng ăn và mất thời gian kiểm tra thức ăn trong sàng ăn sau một thời gian cho ăn.
– Thiết kế sàng ăn phải đúng, nhưng hiện tại không có tiêu chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế sàng ăn dùng trong nuôi tôm.
– Lượng thức ăn cho vào sàng ăn mỗi lần có giới hạn.
– Quyết định gia tăng hay giảm lượng thức ăn thông qua việc kiểm tra lượng thức ăn còn lại trong sàng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào con người và kinh nghiệm của họ. Nó không phải là một khoa học chính xác nên sai số rất lớn so với thực tế.
– Sàng ăn và các dụng cụ liên quan cần phải kiểm tra và bảo trì thường xuyên.
– Lượng thức ăn thất thoát ra khỏi sàng ăn do dòng chảy hoặc thiết kế sàng ăn kém có thể dẫn đến hiểu sai về lượng thức ăn thực tế mà tôm đã ăn và rất dễ dẫn đến việc cho ăn quá dư.
– Tôm thường đào bới và tìm kiếm thức ăn rơi vãi gần sàng ăn, làm cho thức ăn thừa bị trộn lẫn với bùn đáy ao.
– Trong quá trình bắt mồi, thức ăn rất dễ bị rơi khỏi sàng ăn. Điều này rất dễ nhầm lẫn với việc người nuôi cho rằng tôm đã ăn hết thức ăn (thực chất tôm chỉ ăn một phần nhỏ) và tăng lượng thức ăn lên, dẫn đến cho ăn dư quá mức.
– Ở nhiệt độ 33 o C hoặc cao hơn, thức ăn từ sàng ăn hết rất nhanh (có thể do tôm ăn hay một nguyên nhân nào khác làm cho thức ăn rơi vãi ra khỏi sàng ăn), nhưng tốc độ tăng trưởng của tôm không tăng theo một nghiên cứu từ Thái Lan.
– Cho tôm ăn bằng sàng ăn làm gia tăng chi phí nhân công và các chi phí khác, do đó cần phải phân tích chi phí và lợi nhuận cẩn thận.
– Có rất ít các nghiên cứu về hiệu quả của việc sử dụng sàng cho ăn và lợi nhuận trong nuôi tôm.
– Có một số nghiên cứu cho rằng việc sử dụng sàng ăn giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng, hiểu theo một cách logic là do nó giúp nâng cao chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể không tối ưu vì tôm không được cung cấp đầy đủ lượng thức ăn cho sự tăng trưởng của nó.
– Khi cho tôm ăn dựa vào một vài sàng ăn mẫu trong ao, rất dễ dẫn đến việc một số tôm ăn quá nhiều và một số khác thiếu thức ăn, nhất là trong trường hợp nuôi mật độ cao.
Nguồn: kithuatnuoitrong.com