Trong phát triển kinh tế gia đình thì nuôi bò vỗ béo là kinh tế phụ của nhiều nông hộ ở Bến Tre. Bởi bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời nên được nông dân chọn nuôi.
Những năm gần đây, với việc giá bò ổn định ở mức cao, nhiều nông dân ở xã Phú Lễ huyện Ba Tri đã đầu tư nuôi bò vỗ béo; đặc biệt có những hộ đầu tư nuôi qui mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
– Ông Hạ Chí Phát, ấp Phú Thạnh và anh Võ Công Lập ở ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri là những nông dân đang nuôi bò vỗ béo quy mô lớn thành công tại tỉnh Bến Tre hiện nay. Trong những năm qua, gia đình ông Phát, anh Lập đạt thu nhập khá cao nhờ nghề nuôi bò vỗ béo.
– Ông Phát nuôi bò vỗ béo khoảng 10 năm nay. Những năm trước đây, mỗi năm Ông chỉ nuôi từ 2 – 4 con, thức ăn chính để ông nuôi bò chủ yếu là cỏ, rơm. Nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo dễ đạt kết quả và đem về hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, cách nay 3 năm, Ông đầu tư xây chuồng trại, nuôi bò vỗ béo quy mô thường xuyên 20 bò đực giống lai Sind. Cách nuôi bò vỗ béo của ông Phát là Ông tìm chọn mua bò đực giống khoảng 10 – 12 tháng tuổi, Ông nuôi thời gian khoảng 6 – 8 tháng sẽ xuất bán. Nuôi theo cách này, mỗi năm ông Phát bán được 2 đợt bò. Với 1,5 hecta đất trồng lúa, sản xuất 3 vụ/năm, nguồn rơm đủ để làm thức ăn cho Ông nuôi số lượng bò trên. Ngoài ra để bò mau lớn, đẹp, Ông còn kết hợp cho bò ăn hèm, cám dừa…. Theo kinh nghiệm của ông Phát, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả thì việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Ông Phát cho biết: “Khi chọn bò giống phải chọn bò mập mạp, lưng bò rộng để nuôi, khi lớn bò mới có thịt bán giá cao. Trong quá trình nuôi 1 tuần phải tắm bò vài lần, cho bò uống nước cám ngày 2 lần, cỏ, rơm thì cho bò ăn đầy đủ bò mới mau lớn. Trong quá trình nuôi cần tiêm ngừa 1 hoặc 2 lần nuôi để bò không bị bệnh, tránh thiệt hại trong quá trình nuôi”.
– Theo ông Phát cho biết, với cách nuôi bò như Ông, mỗi tháng chi phí đầu tư cho một con bò ăn khoảng 500.000 đồng. Sau 6 – 8 tháng nuôi, mỗi con bò ông xuất bán ở mức 18 – 20 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, con giống, thức ăn, Ông còn lãi khoảng 2 triệu đồng mỗi con. Nhờ nuôi bò vỗ béo số lượng nhiều, 3 năm nay, mỗi năm ông Phát thu lãi từ 80 đến trên 100 triệu đồng.
– Còn anh Võ Công Lập, ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, những năm trước đây mỗi năm nuôi 10 con bò, chủ yếu nuôi bò nái sinh sản để bán bò nghé. Hai năm nay thấy thị trường bò thịt giá cao, ổn định, anh không bán bò nghé mà để nuôi đồng thời mua thêm nghé đực về, tăng số lượng đàn bò nuôi vỗ béo mỗi năm 10 con. Để nuôi 20 con bò gồm bò nái sinh sản và bò vỗ béo, anh Lập trồng 1.500 m2 cỏ và mua 6 mẫu rơm, kết hợp cho bò uống nước cám dừa. Năm 2010, anh Lập bán 10 con bò thịt lãi trên 50 triệu đồng. Năm nay, anh tiếp tục nâng tổng đàn bò nuôi của mình là 23 con, trong đó có 13 bò đực được anh đầu tư nuôi vỗ béo. Anh Lập cho biết: “Nuôi bò vỗ béo ngoài việc chọn bò giống thì khâu quan trọng là cho bò ăn đầy đủ và cho ăn thúc ở giai đoạn khi còn từ 2 – 3 tháng bán bò. Chăm sóc bò tốt trong giai đoạn này giúp bò mướt, đẹp, trọng lượng cao, sẽ dễ bán cho khách hàng”.
– Chị Trần Thị Ngọc Liên, cũng tại ấp Phú Lợi đã thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo. Từ số lượng nuôi trước đây chỉ 2 con mỗi năm, năm 2010 chị mạnh dạn đầu tư 57 triệu đồng mua 12 con bò nghé đực nuôi bò vỗ béo. Chị Liên vừa bán 10 con bò đực thịt được 170 triệu đồng. Nhờ tận dụng nguồn rơm từ ruộng lúa của gia đình cho bò ăn, nên sau khi trừ các chi phí con giống, nước cám, chị Liên còn lãi trên 60 triệu đồng, trong khi chị còn 2 con bò chưa bán trị giá trên 30 triệu đồng. Chị Liên vừa mua 7 bò nghé đực trị giá 64 triệu đồng để tiếp tục đầu tư nuôi vỗ béo.
– Ông Lê Văn Nết, chủ tịch HND xã Phú Lễ cho biết: Xã Phú Lễ có số hộ nuôi bò chiếm tỷ lệ cao nhất so với các địa phương khác trong huyện Ba Tri. Toàn xã có 1.700 hộ dân, trong số này có khỏang 1.300 hộ nuôi bò, với tổng đàn bò trên 5.000 con, có 70% hộ dân đầu tư nuôi bò vỗ béo và đem lại kinh tế khá cho gia đình.
Nguồn: kithuatnuoitrong.com