Năng suất trung bình mỗi lồng đạt 5 tấn cá/năm đã đem lại nguồn thu nhập “khủng” cho người nuôi cá chép giòn.
Gần đây, một số hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) phát triển mô hình nuôi cá chép giòn. Đây là loại cá có giá trị kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với cá chép thường, bởi giá bán tới 170 ngàn đồng/kg (cá chép thường giá từ 50-60 ngàn đồng/kg).
Cá chép giòn có thịt chắc, ngon hơn cá chép thường do được nuôi bằng hạt đậu tằm – một loại thức vừa bảo đảm chất lượng thịt cho cá, vừa giúp môi trường sạch hơn. Thời gian nuôi cá chép giòn dài hơn cá chép thường khoảng 3 tháng.
Nhu cầu lớn, giá cao, sản phẩm cá chép giòn đang mở ra tiềm năng mới
Trong khi đó ở Hải Dương, thông tin từ Trạm khuyến nông huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương hình thành từ năm 2011. Đến nay, với sản lượng trung bình mỗi lồng đạt 5 tấn cá/năm đã đem lại nguồn thu nhập “khủng” cho người nuôi.
Ông Nguyễn Trung Tựu – Cựu Chủ tịch xã Nam Tân, ông cũng là một trong số hộ nuôi cá lồng đạt hiệu quả trên sông Kinh Thầy cho biết: “Nhu cầu lớn, giá cao, sản phẩm cá giòn đang mở ra tiềm năng, cơ hội lớn cho nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân. Hiện tại, giá cá chép giòn dao động 130.000–145.000 đồng/kg, cá trắm giòn có giá khoảng 120.000–125.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn cá giòn thu lãi 30-42 triệu đồng tùy theo thời điểm xuất cá”.
Được biết đến là người đầu tiên và thành công nhất với mô hình nuôi cá chép vàng tại Hải Dương là anh Nguyễn Thế Phước. Hiện, anh là chủ của gần 100 lồng nuôi cá với các loại trắm giòn, chép giòn, điêu hồng… Trải qua bao gian khó, anh đã trở thành tỷ phú trẻ nhất huyện Nam Sách, được mệnh danh là “vua cá chép giòn” tỉnh Hải Dương với thu nhập 6-7 tỷ đồng/năm. Hiện tại, mỗi năm gia đình anh xuất bán trên dưới 30 tấn cá chép, cá trắm giòn.
Nguôn: sưu tầm