Nội dung chính
Ông Trần Văn Tánh, nông dân tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nổi tiếng ở địa phương vì mô hình làm nông không đụng hàng: trồng cỏ đậu phộng dại trong vườn tiêu sạch. Ông còn tận dụng nguồn cỏ này làm thức ăn nuôi dê để có thêm thu nhập.
Mô hình “không đụng hàng”
Dẫn khách vào tham quan vườn tiêu xanh mượt trên thảm hoa vàng của cây đậu phộng dại, ông Tánh hồ hởi giới thiệu: “Nhờ trồng cỏ đậu phộng dại, nhiều năm nay vườn tiêu của tôi không phải tốn công làm cỏ, không cần sử dụng những loại thuốc diệt cỏ gây hại cho môi trường. Loại cỏ dại này lại giúp cải tạo đất, giảm tỷ lệ sâu bệnh của vườn tiêu nên là một giải pháp cho nông dân làm ra sản phẩm an toàn”.
Ông Trần Văn Tánh tận dụng cỏ đậu phộng dại làm thức ăn nuôi dê để tăng thu nhập.
Theo ông Tánh, từ nhiều năm trước ông đã ý thức được việc cần phải tạo ra sản phẩm tiêu sạch cung cấp ra thị trường. Khi tìm hiểu thấy những lợi ích của việc trồng cỏ đậu phộng dại là một giải pháp hiệu quả để làm tiêu sạch, ông đã không ngần ngại ứng dụng. Khi vườn tiêu rộng khoảng 2,5 hécta của ông phủ kín cỏ đậu phộng dại, ông lại suy nghĩ đến việc tận dụng nguồn cỏ có sức sống mãnh liệt luôn tốt tươi phủ kín vườn tiêu này.
Ngoài trồng tiêu, ông Tánh còn cho đóng trại nuôi dê vừa tăng thu nhập, vừa có nguồn phân chuồng bón cho vườn cây. Và ông đã tập cho đàn dê của mình ăn cỏ đậu phộng dại – nguồn thức ăn luôn dồi dào có sẵn trong vườn nhà. Ông Tánh phân tích: “Tôi tìm hiểu rất nhiều về cây cỏ họ đậu này và biết tỷ lệ chất đạm trong cỏ cao hơn hẳn các loại cỏ, lá mà dê vẫn hay ăn. Tôi bỏ cả tháng trời chỉ để tập cho đàn dê của mình ăn cỏ đậu phộng. Thời gian đầu, đây chỉ là thức ăn dặm rồi dần dần thành nguồn thức ăn chính của dê. Và kết quả đạt được ngoài cả sự mong đợi vì đàn dê lớn nhanh hơn hẳn. Thương lái cũng trả giá cao để thu mua vì đàn dê khỏe đẹp”.
Để cây tiêu bền vững
Theo ông Tánh, ông đã theo cây tiêu suốt 15 năm qua. Ông cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn khi vườn tiêu bị bệnh dịch, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm nên luôn trăn trở về bài toán phát triển cây tiêu theo hướng bền vững. Chính vì vậy, ở đâu có hội thảo, chương trình tập huấn kỹ thuật hay giới thiệu mô hình trồng tiêu sạch là ông lại lặn lội đến nơi để học hỏi. Ông luôn giữ liên lạc với các giảng viên tại Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh để nhờ tư vấn về kỹ thuật nuôi trồng. Từ việc nắm vững kiến thức về cây trồng này, ông luôn mạnh dạn ứng dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất với mong muốn sản xuất ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Vườn tiêu của ông không chỉ cho năng suất tốt mà luôn được đảm bảo về chất lượng.
Nhờ đó, khi doanh nghiệp về thu mua, lấy mẫu sản phẩm của nhà vườn đi thử nghiệm, tiêu của vườn ông đạt chuẩn chất lượng nên được bao tiêu với giá cao hơn thị trường cả chục ngàn đồng/kg. Với khát vọng xây dựng được thương hiệu tiêu sạch cho vùng đất Lâm San, ông Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San này luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu sạch cho bà con nông dân. Hiện nay, Hợp tác xã Lâm San đã làm cầu nối xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp với rất nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiêu sạch được ký kết. Và mô hình trồng tiêu sạch đang được nhân rộng theo cấp số nhân tại địa phương.