Chi phí đầu tư lớn nhưng khi đi vào ổn định, chè ô long mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cà phê.
10 năm về trước khi giá cà phê rớt thê thảm, nhiều nông sản ở Đà Lạt cũng bấp bênh về giá. Trước tình cảnh trên, năm 2005, một doanh nghiệp Đài Loan vào Đà Lạt đầu tư và mang theo giống trà ô long (trà đỏ) khuyến khích nông dân tham gia canh tác bằng cách bán cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết đầu ra nên khá nhiều người hưởng ứng trong đó có gia đình nhà ông Thành ở Cầu Đất (Đà Lạt).
Ông Thành kể, thời kỳ ấy làm gì cũng trầy trật nên khi được giới thiệu về giống cây mới thời gian thu hoạch cũng không quá lâu mà lại được bao tiêu sản phẩm nên gia đình ông quyết định nhận cây giống về làm.
Ông Thành nhớ lại thời kỳ đầu trồng chè ô long. |
Với 1,2ha đất sẵn có, ông Thành dùng số vốn khoảng 400 triệu đồng từ dành dụm cộng vay mượn để đầu tư cây giống cũng như hệ thống tưới tiêu.
Những năm 2005, giá cây giống chè ô long dao động quanh mức 1.500-3.000 đồng một cây. Để trồng một ha, ông bỏ ra cả trăm triệu để mua cây giống. Số còn lại đầu tư vào hệ thống dẫn nước và phân bón…
Thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn về khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Đặc biệt, ô long là loại chè cần có mật độ tưới tiêu phù hợp và chỉ cho chất lượng cao khi trồng ở vùng đất có độ cao nhất định. “Nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới sự sinh trưởng và phát triển của cây, thứ 2 là thời tiết. Do vậy, thông thường khu vực trồng chè thường bao quanh sông ngòi. Khu trồng chè của tôi được bao quanh sông nên không bao giờ sợ khô hạn”, ông Thành nói.
Chè ô long thường được nông dân thu hoạch và bán tươi |
Cũng theo ông, trong suốt vụ, cây chè được bón phân 3 lần, sau mỗi đợt bón phân sẽ phun thuốc để chống nấm và sâu bệnh, tăng cường khả năng chống chịu bệnh, đảm bảo cây chè phát triển tốt. Mỗi ngày, cây chè ô long sẽ được tưới ít nhất một lần, giúp cây luôn giữ được độ ẩm cần thiết, điều hòa dinh dưỡng nuôi cây. Ngoài nguồn nước, việc chăm sóc định kì cho cây chè cũng không kém phần quan trọng. Sau mỗi vụ thu hoạch, chè được cắt bằng thành đường vòm để búp phát triển đồng đều. Muốn đảm bảo chất lượng và thu hoạch đúng quy định, thông thường trước khi thu hoạch 15 ngày công ty chè thường đến kiểm tra, các hoạt động bón phân cũng như phun thuốc trừ sâu đều bị ngưng cho tới khi thu hoạch hết vụ.
Thời kỳ đầu, do chưa hiểu nhiều về kỹ thuật chăm sóc nên ông Thành phải chịu lỗ 4 năm, mãi đến 2010 mô hình mới đi vào ổn định và cho năng suất cao. Lúc ấy việc chăm sóc canh tác cũng nhuần nhuyễn hơn. Sau này, thay vì chỉ bán cho công ty Đài Loan, ông Thành chuyển sang bán cho công ty sản xuất trong nước. Đến nay, khu chè của ông Thành thu hoạch đều 6 vụ một năm, bán ra thị trường 12 tấn chè tươi, với giá thành 50 triệu đồng một tấn. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, ông thu tiền lãi khoảng 400 triệu đồng.
“Nếu so sánh trồng chè ô long và cà phê, thì trồng chè hiệu quả hơn gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng trồng được sản phẩm chè chất lượng cao. ở Đà Lạt, chỉ có khu vực Cầu Đất là trồng chè cho chất lượng tốt nhất”, ông Thành chia sẻ.
Không trồng nhiều như ông Thành, nhưng ông Hoảnh (Đà Lạt) cũng canh tác hơn nửa ha chè ô long. Sau khi trừ tất cả chi phí mỗi năm ông Hoảnh cũng thu lãi gần 200 triệu đồng.
Mỗi năm, ông Hoảnh cũng thu được hàng trăm triệu đồng từ trồng chè ô long |
Ông Hoảnh cho biết, hiện nay, tại khu vực Cầu Đất Đà Lạt có khoảng 100 hộ trồng chè o long. Hầu hết đều thu lợi nhuận cao. Hiện nay ngoài bán cho đối tác Đài Loan thì khá nhiều công ty trong nước cũng rất chuộng loại chè này. Một ha chè ô long tại Cầu Đất đang được nhà đầu tư trả giá khoảng 1-1,5 tỷ đồng nhưng bà con nông dân đều không bán vì loại cây này cho giá trị kinh tế cao.
Ngoài nông dân, hiện nay tại Đà Lạt một công ty chè của Việt Nam cũng đang canh tác 150 ha. Theo giám đốc nhà máy của công ty này, mỗi năm một ha chè cho 15 tấn tươi. Như vậy, với 150ha, công ty thu hoạch khoảng 2.250 tấn tươi một năm, tương đương 700 tấn khô. Doanh thu mỗi năm cũng lên đến gần 100 tỷ đồng.