Nội dung chính
Dịch bệnh ở tôm nuôi là nỗi sợ lớn nhất đối với người nuôi tôm. Năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại cả nước là trên 60.000 ha.
Tính đến ngày 30/6/2015, diện tích nuôi tôm cả nước bị thiệt hại do dịch bệnh là khoảng 18.000 ha. Mặc dù diện tích bị thiệt hại giảm, chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn đáng lo ngại.
Hiện nay, việc nuôi tôm theo quy phạm VietGAP vẫn còn nhiều tranh luận về tính khả thi và hiệu quả. Trong 2 năm 2014 và 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì thực hiện mô hình nuôi tôm VietGAP tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng diện tích 40 ha. Sau thời gian triển khai, mô hình của 120 hộ tham gia thực hiện đều cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt tôm nuôi không bị dịch bệnh. Năm 2014, lợi nhuận thu được bình quân đạt 800 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2015, mặc dù nắng nóng, độ mặn cao, dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, nhưng do áp dụng đúng quy phạm VietGAP nên tỷ lệ sống của tôm rất cao, bình quân 80%. Các hộ đã thu hoạch tôm nuôi 90 ngày tuổi đạt cỡ 60 con/kg, năng suất trung bình 10,6 tấn/ha. Tuy giá bán tôm năm nay thấp hơn năm ngoái 25 – 30%, nhưng người nuôi tôm vẫn có lãi gần 600 triệu đồng/ha. Khi đánh giá tiêu chí VietGAP, hầu hết các mô hình đạt ít nhất 80% tiêu chí.
Ngày 9/7/2015, TS Nguyễn Huy Điền – Phó Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA – đơn vị xây dựng mô hình, Phòng Nông nghiệp địa phương đã đến kiểm tra 10 hộ tham gia nuôi tôm áp dụng VietGAP tại quận Dương Kinh (thành phố Hải Phòng) và huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định). Qua kiểm tra cho thấy tôm nuôi ở cả 10 hộ này đều không bị dịch bệnh. Thời gian nuôi đã được 76 ngày, có hộ đã thu hoạch đạt trên 10 tấn/ha/vụ, cỡ tôm đạt trung bình 65 con/kg, màu sắc tươi sáng, tôm ăn no, khỏe mạnh, đều con, được thương lái đặt mua hết với giá bán 130.000 đồng/kg.
Tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có 4 hộ xây dựng mô hình nuôi tôm theo VietGAP. Tôm nuôi ở các hộ này đều không bị dịch bệnh mặc dù tôm thả vào đúng lúc cả vùng bị dịch. Đến thời điểm này đã có hộ đã xuất tôm bán. Điều đặc biệt là trong quá trình nuôi, không hộ nào sử dụng kháng sinh, hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý màu nước. Tôm giống cung ứng cho mô hình do một công ty uy tín cung cấp. Công ty này cấp giống cho mô hình nuôi tại Hải Phòng và Nam Định đều đạt hiệu quả cao, không hộ nào tôm bị chết mà còn lớn nhanh. Theo báo cáo của các hộ nuôi tôm theo VietGAP tại Giao Thủy (Nam Định), sau 56 ngày nuôi, tôm đạt 130 con/kg. Trong khi đó tôm ngoài mô hình cùng thả một ngày nhưng mua giống nơi khác, tôm đạt kích cỡ 160 con/kg.
Thông qua mô hình nuôi tôm VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì cho thấy các mô hình áp dụng theo VietGAP đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi không áp dụng VietGAP trên 15%. Điều đặc biệt dễ nhận thấy là nuôi tôm theo VietGAP đã hạn chế dịch bệnh.
Sau đây là một số kinh nghiệm được rút ra để mô hình nuôi tôm theo VietGAP đạt hiệu quả cao:
– Chuẩn bị ao nuôi: Thực hiện theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản: lấy nước qua ao lắng, sau đó cấp vào ao nuôi qua túi lọc, không xử lý hóa chất tại ao nuôi.
– Gây màu nước: Không dùng phân vô cơ để gây màu nước; gây màu theo công thức 3:1:3 gồm đường (mật), cám gạo, bột đậu nành, ủ trong 12 giờ, sau đó té xuống ao với liều lượng 3 kg/1000m3 nước, té 3 ngày liên tục cho tới khi nước màu xanh vỏ đỗ thì dừng lại.
– Chọn giống: Giống tôm thẻ cỡ P12 mua ở cơ sở có uy tín, có quyết định công bố tiêu chuẩn chất lượng tôm giống, có giấy phép trong hệ thống giống của Bộ NN&PTNT quy định, có hồ sơ nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu… Tôm giống khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, kích cỡ đồng đều, được kiểm dịch trước khi vận chuyển.
– Mật độ thả: 80con/m2
– Chăm sóc, quản lý:
Cho ăn: Cho ăn theo 4 đúng (chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm). Kích cỡ thức ăn và độ đạm phù hợp với từng giai đoạn của tôm. Chế độ cho ăn 4 lần/ngày vào các thời điểm (6h30,10h30,16h30, 20h30). Trong quá trình cho ăn phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, màu nước, nhiệt độ môi trường để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Quản lý môi trường nước: Thường xuyên kiểm tra các yếu tố như: ôxy, pH, NH3, H2S, độ kiềm, độ mặn… để xử lý kịp thời nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Thay nước 10 – 15 ngày/lần, mỗi lần 15 – 20%, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý màu nước trong ao nuôi.
Các cơ quan chức năng nên chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn bà con hiểu và nắm rõ quy phạm VietGAP, lợi ích và hiệu quả của nuôi tôm theo VietGAP. Thường xuyên hướng dẫn bà con tham quan, học tập lẫn nhau. Tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Cán bộ tập huấn kỹ thuật phải là người nhiều kinh nghiệm, giỏi kỹ năng và phương pháp khuyến nông.
Để tìm hiểu thêm thông tin, bà con có thể liên hệ với 3 hộ nuôi tôm áp dụng VietGAP thành công theo địa chỉ sau:
1. Ông Ngô Văn Uyên, xóm 29, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, Nam Định – ĐT 01685.383.564
2. Ông Cao Văn Hóa, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng – ĐT 0979.419.235
3. Ông Bùi Ngọc Liêm, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh – ĐT 0913.262.499
Ông Ngô Văn Uyên (Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định) kiểm tra tôm tại ao nuôi
Nguồn: vietlinh.vn