Ao, hồ có tác dụng như một mặt gương, là nơi tích nhiệt và trữ năng lượng, một vùng chống ô nhiễm, một hệ thống vận chuyển, một hệ thống phòng chống hỏa, nơi giải trí, một công trình tưới nước và là một cơ sở sản xuất.
Ao, hồ nuôi trồng thủy sản có tiềm năng và hiệu suất cao hơn đất trồng trọt, luôn cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho nhiều loài cây và động vật sử dụng trong gia đình hoặc bán ra thị trường. Một tổ hợp cá, tôm, trai, ốc, cây thủy sinh có thể cùng phát triển trong một hệ thống ao gia đình.
Ao trong gia đình thường có diện tích nhỏ khoảng 20-300 m2. Các hộ thầu diện tích mặt nước công cộng thường có ao, hồ sản xuất rộng hơn nhiều. Tùy thuộc vào diện tích ao mà xác định mục đích sản xuất và loại thủy sản. Những ao nhỏ (< 30 m2) có thể dùng để xây bể nuôi ba ba, rắn, ếch hoặc thả các loại cá phục vụ cho gia đình. Ao từ 50 m2 trở lên có thể nuôi thả các loại cá có giá trị bán ra thị trường.
Khi phát triển ao cá gia đình nên sử dụng lợi thế đa canh. Mặc dù mỗi hệ thống sản xuất thủy sản đều hướng về một sản phẩm chính (một loại cá, tôm, ếch, v.v.), nhưng điều quan trọng là phải kết hợp mục tiêu đó với việc phát triển các loài thủy sản khác nhằm tận dụng các ổ sinh thái trong ao để hỗ trợ cho sản xuất chính của ao.
Thủy sản có thể chia làm ba loại: các loài ăn chất thải ở đáy; loài ăn sinh vật nổi, loài ăn cỏ, rong ở tầng mặt; tầng giữa là các loài săn bắt mồi.
Các loài vẹm, ngao, trai nước ngọt sống trong bùn, ăn chất thải và có thể lọc tới 700-800 lít nước/ngày và tiết ra một dung dịch các chất hòa tan (thường là photpho) vào bùn ao. Các loài giáp xác (tôm, cua) ăn sinh vật nổi ở đáy ao.
* Các loài cá ăn ở tầng đáy ao:
– Trắm đen ăn ốc, hến và các loài nhuyễn thể khác.
– Cá chép ăn các động vật ở đáy ao như giun, ấu trùng.
– Cá trôi ăn phần lớn mùn, bã hữu cơ, tảo, các loài giáp xác.
– Cá rô phi ăn mùn bã hữu cơ và các loại tảo ở đáy ao. Ngoài ra chúng còn ăn các chất thối rữa có nguồn gốc động vật và thực vật.
* Các loài cá ăn ở tầng giữa: trắm cỏ, cá vên. Chúng ăn chủ yếu các loài cỏ dại, thực vật khác nhau.
* Các loài cá ăn nổi ở bề mặt ao: mè hoa, mè trắng và cá chày. Chúng ăn các loại thủy sinh phù du nổi trong nước.
Như vậy có loài ăn thức ăn trực tiếp bón hoặc sau khi phân giải, thậm chí chất thải của cá này lại là thức ăn trực tiếp hoặc gián tiếp của cá khác.
Ví dụ: Cá trắm cỏ được mệnh danh là “máy dọn cỏ”, chúng tiêu thụ lượng rau cỏ rất lớn trong một ngày và khối lượng phân thải ra cũng lớn (bằng 20-30% lượng thức ăn vào). Chất thải của cá cũng là nguồn sản sinh ra các sinh vật nổi làm thức ăn cho cá mè.
Ở Thái Bình đã tổng kết: Công thức ao nuôi cá trắm cỏ kết hợp thả ghép với cá khác (mè, trôi, rô phi, v.v.) cho hiệu quả cao. Cứ đầu tư 30-40 kg cỏ cho cá sẽ được 1,5 kg cá thịt trong đó có 1 kg cá trắm cỏ và 0,5 kg cá khác (ăn theo cá trắm cỏ).
Ở Trung Quốc có tập quán đa canh cá trong ao. Đây là hệ thống nuôi kết hợp các loài cá khác nhau trong cùng một ao nhưng dựa trên nguyên lý chúng kiếm ăn ở các tầng ao khác nhau và ăn các loại thức ăn khác nhau. Cá ăn ở tầng đáy ao có thể tận dụng cả thức ăn thừa và phân của cá ăn ở tầng giữa và tầng trên. Đây là một hệ thống nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao về mặt sử dụng diện tích ao và sử dụng thức ăn. Hiện nay mô hình thâm canh này được áp dụng ở nhiều nước châu á.
Bên cạnh việc xác định thành phần cá nuôi, việc xác định tỷ lệ nuôi ghép, diện tích ao, độ sâu và điều kiện cấp nước cũng rất cần được quan tâm. Ao nhỏ và nông (£1 m nước) không nên thả ghép nhiều loài, nhất là hạn chế thả ghép nhiều cá chép, cá mè. Ao rộng và sâu (2 m nước) có điều kiện cấp nước mới nên thả ghép mè, trắm, trôi, rô phi, chép theo tỷ lệ thích hợp. Có nơi nuôi thêm cá rô hu (ấn Độ) có tính ăn mồi gần giống cá trôi nhưng không nên ghép quá 10% thành phần cá nuôi. Muốn cá nuôi chóng lớn cần phải chủ động thức ăn cho cá, xác định thời gian thả và thu hoạch từng loại cá. Trong hệ thống đa canh này người ta thường nuôi một hay hai loài cá chính, các loại cá khác là nuôi bổ sung. Việc xác định loài cá chính nuôi ở ao phụ thuộc vào nguồn cá giống, thức ăn và dinh dưỡng tự nhiên trong ao và chất lượng nước.
Ở Hawaii, người ta nuôi tôm làm sản phẩm chính, sản phẩm phụ là các loài cá ăn cỏ như cá trắm cỏ.
* Hệ thống vịt – cá: là một hệ thống có hiệu quả cao vì vịt cung cấp nguồn thức ăn đáng kể cho ao.
Trong các hệ thống thủy sản, cần phải bón phân cho ao để cung cấp nguồn thức ăn cho thủy sản nuôi trong ao, làm cho cây cỏ và sinh vật phù du phát triển mạnh trong ao. Đây cũng là nguồn thức ăn cho cá.
Quanh bờ ao, có thể trồng các loại cây làm thức ăn cho cá hoặc các loại rau vừa làm rau ăn cho gia đình, vừa cho cá ăn. Đồng thời, nó luôn bảo đảm độ chua của nước ao ở mức trung tính hoặc hơi kiềm (pH = 7-8).
Bên cạnh nguồn thức ăn là phân bón, rau, cỏ nên cho cá ăn thêm thức ăn giàu tinh bột như cám gạo, cám ngô; thức ăn giàu đạm như côn trùng, cá loại để cá tăng trọng nhanh. Cần lưu ý rằng: Nếu không được cho ăn tốt, cá sẽ tăng trọng rất chậm hoặc vẫn giữ nguyên trọng lượng ban đầu.
Ngoài ra, cần phải chú ý kiểm tra định kỳ để cải tạo ao và bảo đảm một số biện pháp kỹ thuật nuôi cá tối thiểu.
Ở ao nhiều bùn, nước sẽ chua hoặc quá kiềm. Thực tế cá chỉ sống được ở điều kiện nước có độ pH = 6-9 và tốt nhất là pH = 7-8. Khi thời tiết nóng bức, nắng hoặc ẩm ướt kéo dài, quá trình phân giải chất hữu cơ đột ngột làm cho oxy hòa tan trong nước tiêu hao lớn, cá bị ngạt, đồng thời cũng sinh ra các chất độc; như khí H2S, CH4 (methan), nước ao bị đen, có mùi thối gây độc, nước còn chứa các mầm bệnh nấm, bệnh trùng mỏ neo, đốm đỏ, v.v. đối với cá.
Vậy biện pháp quan trọng có tính quyết định đến năng suất cá là cải tạo ao, bằng cách:
+ Phát quang, tạo mặt thoáng, hạn chế lá rụng và tích tụ bùn.
+ Đào mương xẻ rãnh quanh ao hoặc bờ ao phải cao hơn mặt vườn để hạn chế cỏ rác, bùn xuống ao khi mưa.
+ Sau khi thu hoạch cá cần vét bùn chỉ để lại mức bùn £ 15 cm.
+ Dùng vôi sống rải xuống ao là biện pháp có tác dụng tổng hợp. Bởi vì vôi sống có tác dụng diệt một số loài hại cá như ếch, nhái, rêu xanh,…; diệt mầm gây bệnh (đốm đỏ, loét mang). Làm sạch nước ao, nhất là những ao có nhiều chất hữu cơ lơ lửng hạn chế hoạt động của cá. Khi vôi được rải xuống ao có tác dụng giải phóng một số nguyên tố dinh dưỡng có trong bùn ao, đồng thời làm cho bùn tơi xốp, cải thiện điều kiện thông thoáng khí của đáy ao, tăng nhanh tác dụng phân giải chất hữu cơ. Đặc biệt là giữ ổn định chỉ số pH bảo đảm tính kiềm nhẹ của nước có lợi cho đời sống của cá.
Chú ý: Cần rải vôi ngày nắng, đúng lượng (7-10 kg/100 m2). Rải vôi khi ao đã được làm cạn nước (tránh để vôi bị hút ẩm biến thành bột).
Sau khi rải vôi, phơi ao 2-3 ngày cho đến khi lớp bùn đáy ao se lại mới dẫn nước vào ngập đáy ao khoảng 20-30 cm trong thời gian 2-3 ngày.
Bón lót cho ao bằng phân chuồng và phân xanh theo tỷ lệ 20 kg phân chuồng mục và 8 kg phân xanh cho 100 m2 đáy ao. Sau 6-7 ngày dẫn đủ nước vào ao và thả cá giống.
Một số biện pháp kỹ thuật thả cá và chăm sóc cá trong ao như sau:
– Ở ao nuôi cá bằng nước thải và các chất thải của lợn, gà… thì thả cá với mật độ 2-3 con/m2, gồm cá mè trắng 25%, mè hoa 5%, trắm cỏ 4%, trôi 10%, rô phi 50%, chép lai 6%.
– Ở ao nuôi cá bằng phân xanh kết hợp phân chuồng thì thả cá với mật độ 1-2 con/m2, gồm cá mè trắng 60%, mè hoa 2%, trắm cỏ 20%, trôi 10%, chép lai 8%.
Cần giữ bờ cẩn thận để chống cá đi. Trong những ngày oi bức và khi thay đổi thời tiết cần cho thêm nước mới vào ao hay khuấy động, đánh sóng nước ao để giữ cho cá không bị chết ngạt do thiếu oxy. Cứ 15-20 ngày trong mùa hè lại đảo nước ao một lần để phân tán mùn bã hữu cơ.
Sau khi nuôi 5-6 tháng có thể đánh tỉa thả bù. Thu hoạch toàn bộ cá trong ao 5-6 tháng sau khi thả bù vào trước mùa lạnh. Đối với ao nuôi cá được quản lý tốt và chăm sóc tốt, có thể nuôi cá lưu 2 năm và thực hiện đánh tỉa thả bù để có hiệu quả kỹ thuật cao (5 tấn cá/năm/ha).
Ở vùng ven biển người ta có thể nuôi thủy sản nước triều: Có thể xây dựng một ao cá phong phú ở vùng nước lợ hoặc ao nước biển như cá biển, tôm biển, thân mềm, cua, tảo biển. Những ao tôm, cá bên cửa sông có nước triều lên xuống là những nơi nuôi thủy sản biển tốt.
Nước triều đưa vào ao một nguồn thức ăn từ biển như cá nhỏ, rong biển. Tôm và cua biển là những hải sản có giá trị kinh tế cao nên được coi là đối tượng để nuôi trồng.
Nguồn thức ăn bổ sung cho cua và tôm chủ yếu là thức ăn có nguồn gốc động vật như cá tạp, đầu tôm, moi, ốc, hến trộn cùng với các loại thức ăn giàu tinh bột như khoai, sắn, bột ngô, bã đậu. Nên chế biến thức ăn ở dạng viên để dễ bảo quản và cho tôm, cua ăn dễ dàng.
Nguồn: Sưu tầm