Một số giống thủy sản nước ngọt chủ đạo

Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2015 của Việt Nam khoảng 450 nghìn ha, sản lượng khoảng 2.413 nghìn tấn, chiếm 36,79% tổng sản lượng thủy sản, trong đó chủ yếu là một số đối tượng như cá tra, rô phi, tôm càng xanh và các loài cá truyền thống.

Một số giống thủy sản nước ngọt chủ đạo - image 640x427

Cá tra

Hiện, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, trên 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích trên 2.250 ha, sản xuất được hơn 2 tỷ cá tra giống, đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi của người dân. Để nâng cao chất lượng cá tra giống, trong năm 2011 – 2012, Tổng cục Thủy sản đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II triển khai dự án Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL, cung cấp 100.000 cá hậu bị để thay đổi toàn bộ đàn cá bố mẹ của các trại sinh sản bằng cá chọn giống và chuyển giao công nghệ sản xuất giống chất lượng cao cho các cơ sở đó. Đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã cung cấp 101.000 con cá tra bố mẹ chọn giống, đã tham gia sinh sản, cho kết quả tốt góp phần nâng cao chất lượng cá tra giống.

Một số giống thủy sản nước ngọt chủ đạo - 56f729c84e9ca

Mục tiêu phát triển giống thủy sản đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT

Cá rô phi

Việt Nam thực hiện chọn giống cá rô phi trên cơ sở tiếp quản đàn cá GIFT thế hệ thứ 5 từ Philippines, đến nay đã thêm 14 thế hệ, và bắt kịp so với công nghệ sản xuất giống cá rô phi của nhiều nước trên thế giới. Theo nhiều đánh giá gần đây, giống cá rô phi của Việt Nam khá tốt, cá nuôi đạt trọng lượng 700 – 800 g/con sau 5 – 6 tháng nuôi, tỷ lệ fillet cao. Tuy vậy, cơ sở sản xuất giống cá tập trung, quy mô lớn, chất lượng tốt phục vụ nuôi thương phẩm còn ít, năng lực sản xuất giống cá rô phi của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu thời vụ (nhất là giai đoạn đầu vụ ở phía Bắc). Vì vậy, giống cá rô phi nhập nội hiện nay vẫn được nhập nhiều theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc nhưng lại khá hợp thời vụ nên được nhiều người nuôi lựa chọn.

Một số giống thủy sản nước ngọt chủ đạo - 56f729ca9def8

Giống cá rô phi của Việt Nam phát triển khá tốt – Ảnh: CTV

Tôm càng xanh

Tôm càng xanh ngày càng được mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng đến nay nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bởi số lượng con giống chưa ổn định, mang nhiều dịch bệnh, tỷ lệ sống của tôm giống thấp chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Khắc phục thực trạng đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã nghiên cứu, tạo được đàn tôm toàn đực và chuyển giao cho các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp.

Cùng đó, Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam bộ thực hiện Chương trình chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng tôm càng xanh của đã chọn lọc qua 6 thế hệ từ năm 2008 – 2014. Các kết quả về ước tính các thông số di truyền tính trạng khối lượng thân và tính trạng phần thịt với hiệu quả chọn lọc 4,3 – 7,1%/thế hệ. Hiện, thế hệ thứ 7 đang đưa vào giai đoạn nuôi thương phẩm cho đánh giá khả năng tăng trưởng và nâng cao tỷ lệ sống. Ước tính khả năng tăng trưởng và tỷ lệ sống được cải thiện 3%/thế hệ. Năm 2015, Trung tâm đưa vào sản xuất 131 gia đình với 102 gia đình chọn lọc, 18 gia đình đối chứng và 11 gia đình đối chứng từ 2 trại sản xuất lân cận, mục tiêu cho đánh giá khả năng tăng trưởng và tỷ lệ sống với dòng tôm chọn lọc trong chương trình.

Theo định hướng về quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT: Thực hiện nghiên cứu phát triển giống thủy sản nòng cốt là các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ. Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống thủy sản nuôi trồng chủ lực ở những vùng có lợi thế tự nhiên và vùng nuôi trồng trọng điểm để đảm bảo sản xuẩt đủ giống tốt, giá thành hạ, chủ động cung cấp tại chỗ cho nuôi trồng.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Một số giống thủy sản nước ngọt chủ đạo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *