Các mô hình nuôi thủy sản thích ứng xâm nhập mặn

Xâm nhập mặn dẫn đến biến động các yếu tố môi trường, tác động trực tiếp đến vật nuôi thủy sản, trồng trọt… Vì vậy, xây dựng mô hình, trang bị cho người dân kỹ thuật nuôi để thích ứng là việc làm rất cần thiết.

Vùng có độ mặn cao (> 25‰)

Với vùng này, có thể chuyển đổi sang nuôi một số loài cá biển theo hình thức chuyên canh như:

a) Nuôi cá chẽm (cá vược) bằng thức ăn công nghiệp

Mô hình này phát triển mạnh tại các tỉnh phía Bắc (như Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình) và một số tỉnh vùng ĐBSCL. Với các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được, mật độ 1,5 con/m2, hệ số thức ăn FCR 1,5 cỡ thu khoảng 1 kg/con, năng suất khoảng 8 tấn/ha. Với mức đầu tư 300 – 500 triệu/ha, lợi nhuận mang lại 200 – 300 triệu đồng/ha.

Các mô hình nuôi thủy sản thích ứng xâm nhập mặn - 57148f96796a7

Hiệu quả mô hình nuôi cá chẽm được nhiều địa phương nhân rộng – Ảnh: Trần Út

b) Nuôi cá mú (cá song) trong ao

Hiện đã phát triển một số địa phương ven biển miền Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và miền Trung (Khánh Hòa, Ninh Thuận), vùng ĐBSCL (Kiên Giang). Cá mú có nhiều loài nhưng hiện có cá mú lai sau một năm nuôi có thể thu hoạch 1 – 1,5 kg/con. Mật độ nuôi khoảng 1 – 1,5 con/m2, tỷ lệ sống 70%, năng suất 5 – 7 tấn/ha. Với mức đầu tư 800 – 900 triệu/ha, lợi nhuận thu được khoảng 400 triệu đồng/ha. Hiện, Việt Nam đã chủ động được con giống để cung cấp cho vùng ĐBSCL.

c) Nuôi cá đối mục trong ao

Mô hình nuôi chuyên cá đối mục trong ao phát triển nhiều tại các tỉnh ven biển Quảng bình, Thừa Thiên – Huế. Cá đối với đặc tính dễ ăn, thức ăn chủ yếu thực vật, ngưỡng độ mặn rộng 3 – 35‰, có thể sống cả trong môi trường nước mặn và lợ; đồng thời có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Hiện, đã tiến hành nuôi thử nghiệm xen ghép với tôm và nuôi đơn đạt hiệu quả cao tại Sóc Trăng, Bạc Liêu. Hiệu quả mô hình nuôi đơn tại các tỉnh khoảng hơn 100 triệu đồng/ha. Con giống đã được ương nuôi tại Trung tâm tập huấn và Chuyển giao công nghệ ĐBSCL tại Sóc Trăng (thuộcTrung tâm Khuyến nông Quốc gia) và đã khuyến cáo nhân rộng tại một số tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng.

d) Nuôi cá chim vây vàng trong ao

Đây là đối tượng nuôi trong ao các đầm nước mặn lợ, ưu điểm sống trong ao độ mặn 5 – 35‰, thích hợp nuôi lồng, sử dụng thức ăn công nghiệp, thịt thơm ngon, cá lớn nhanh sau 7 – 8 tháng có thể đạt 800 – 900 g/con nhưng ngưỡng ôxy cao.

Vùng xâm nhập mặn (< 25‰)

a) Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

Áp dụng ở vùng nuôi tôm chuyên canh với hình thức thâm canh và bán thâm canh (độ mặn 5 – 25‰). Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” của Bộ NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện giai đoạn 2014 – 2016. Kết quả, năm 2015, vùng ĐBSCL xây dựng thành công tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với quy mô 9 ha, năng suất tôm thẻ chân trắng trên 10 tấn/ha, tôm sú hơn 3 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế mang lại 600 – 800 triệ đồng/ha, cao hơn mô hình không áp dụng VietGAP 15 – 20%, và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

b) Nuôi cá bống bớp trong ao

Đây là đối tượng thủy đặc sản, giá bán 230 – 250 nghìn đồng/kg loại 12 – 19 con/kg, thích hợp nuôi ao đầm nước lợ có độ mặn 10 – 15‰,nuôi nhiều tại Nam Định, Thái Bình với hình thức nuôi đơn hoặc xen ghép tôm sú, tôm thẻ chân trắng và hiện đã nuôi thử nghiệm tại Sóc Trăng. Năng suất mô hình nuôi đơn 3 – 5 tấn/ha, mật độ 5 – 10 con/m2, lợi nhuận trung bình 300 triệu đồng/ha.

c) Nuôi tôm vùng chuyển đổi

Mô hình này áp dụng vùng trồng lúa mới bị xâm nhập mặn, có thể chuyển đổi sang hai mô hình nuôi trồng thủy sản: Nuôi tôm càng xanh – lúa (độ mặn < 7‰); nuôi tôm sú – lúa (độ mặn > 5‰)

+ Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa

Đối tượng tôm càng xanh có ưu điểm sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt; tuy nhiên, trong môi trường nước lợ (< 7‰) tôm vẫn phát triển bình thường. Vì vậy, có thể tiến hành nuôi: luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, hiệu quả mô hình 150 – 200 triệu đồng/ha hoặc nuôi xen canh tôm – lúa, hiệu quả 60 – 70 triệu đồng/ha/vụ (6 tháng/vụ). Giống lúa được lựa chọn giống chịu mặn.

+ Tôm sú – lúa

Trong chương trình khuyến nông giai đoạn 2011 – 2013 đã có 1 dự án liên quan đến phát triển nuôi tôm – lúa tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liên, Cà Mau và Kiên Giang với quy mô 168 ha, thực hiện tại 180 hộ. Hiệu quả kinh tế tăng hơn 30% so mô hình cùng loại được sản xuất tại địa phương, tăng trên 100% so các mô hình chỉ trồng 1 vụ lúa. Mùa vụ nuôi tôm sú từ tháng 2 – 8, vụ trồng lúa từ tháng 9 – 12 hàng năm.

Dù vậy, với tiềm năng diện tích đất trồng lúa có thể nuôi luân/xen canh tôm lúa là trên 80.000 ha tại ĐBSCL, giai đoạn 2016 – 2018, Bộ NN&PTNT tiếp tục phê duyệt dự án khuyến nông xây dựng mô hình nuôi tôm sú – lúa cho một số tỉnh ven biển ĐBSCL.

> So sánh với mô hình nuôi trồng thủy sản với trồng lúa có thể thấy: mô hình xen canh tôm càng xanh trong ruộng lúa gấp 1,5 lần; luân canh tôm càng xanh – lúa gấp 4 lần; tôm sú – lúa gấp 1,5 lần; nuôi chuyên canh khác (như cá mặn lợ, chuyên canh tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng) gấp 6 – 15 lần.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Các mô hình nuôi thủy sản thích ứng xâm nhập mặn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *