Phát triển mô hình nuôi dê ở Bình Trị (Quảng Ngãi)

Hai năm trở lại đây, đời sống nhiều hộ dân ở xã Bình Trị (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được cải thiện nhờ phát triển mô hình chăn nuôi dê. Người nuôi dê còn trồng cây để cung cấp thức ăn cho dê, nhằm hướng đến chăn nuôi dê “sạch”.

Khởi động việc nuôi dê cách đây hơn 6 tháng, với 6 con dê ban đầu, giờ đây đàn dê của anh Nguyễn Văn Tin (27 tuổi) ở thôn An Lộc, xã Bình Trị đã lên tới 22 con. Vẫn luôn tay dọn dẹp chuồng trại, anh Tin vui vẻ cho biết: Thời gian sinh sản của dê chỉ trong khoảng hơn 5 tháng. Nuôi trong vòng 6 tháng dê được hơn 20kg thì có thể xuất bán.

Tôi đang chuẩn bị mở thêm một trại nuôi dê, dự định trong tháng tới sẽ mua thêm 10 con dê giống về nuôi. Cũng theo anh Tin, sau khi tham quan việc nuôi dê của anh Huỳnh Văn Vân ở khu dân cư Long Bàn, thôn An Lộc và ông Nguyễn Tiến ở khu dân cư Giếng Hố, thôn Lệ Thủy có hiệu quả nên anh quyết tâm làm theo. Anh Tin được hai người này chia sẻ kinh nghiệm về cách thức chọn giống tốt, xây dựng chuồng, cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho dê.

Phát triển mô hình nuôi dê ở Bình Trị (Quảng Ngãi) - images1560756 NUOIDEEE

Gia đình ông Tiến là nơi cung cấp dê giống cho các hộ nuôi dê tại xã Bình Trị – Ảnh: Bình Sơn

Theo nhiều người dân địa phương, vợ chồng ông Nguyễn Tiến, bà Nguyễn Thị Nhung có thâm niên nuôi dê gần 20 năm nay. Nhờ nuôi dê mà vợ chồng ông Tiến đã xây dựng được căn nhà khang trang và nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Đưa tay về phía đàn dê hơn 100 con của mình, ông Tiến chia sẻ: Năm 1999 vợ chồng ông đầu tư 50 triệu đồng để mua 15 con dê ở trại dê Đức Phổ.

Lúc đầu do chưa nắm được kỹ thuật nuôi, đàn dê nhà ông lần lượt chết chỉ còn lại 6 con. Không bỏ cuộc, ông quyết tâm tìm và đi học hỏi kinh nghiệm ở các trại dê trên địa bàn tỉnh để khôi phục đàn dê của gia đình. Nhờ chịu khó, 6 con dê còn sót lại được ông nuôi thành công. Hiện tại, đàn dê của gia đình ông đã cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Hộ ông Nguyễn Thanh Xuân (44 tuổi), thôn An Lộc cũng được ông Tiến, ông Vân hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi dê. Bỏ vốn hơn 50 triệu đồng, ông mua 12 con dê về nuôi. Sau hơn một năm đàn dê của ông Xuân có được 30 con. Vừa qua, ông mới bán 5 con dê thịt, với giá dao động từ 130 – 150 nghìn đồng/kg, ông thu về gần 25 triệu đồng. “Nuôi dê có lợi ở chỗ, khi nào cần tiền gấp thì có thể đem bán ngay. Vì nhu cầu tiêu thụ dê ở địa phương cũng tương đối cao nên chúng tôi rất yên tâm về đầu ra của dê”, ông Xuân cho biết.

Để nuôi dê đạt hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Bình Trị còn trồng cây để ổn định nguồn thức ăn cho dê. Anh Nguyễn Văn Tin cho biết, năm trước tôi trồng 50 cây gòn để vừa làm hàng rào, vừa có thức ăn cho dê. Nhiều hộ khác còn trồng thêm mít để thu lá mít làm thức ăn cho dê.

Ông Phạm Minh Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trị cho biết: Toàn xã hiện có 10 hộ chăn nuôi dê. Các hộ chăn nuôi này đều hướng đến việc thả dê trên núi để dê ăn các loại lá cây, như: Sầu đâu, gòn, lá dúi, cỏ dại… và hầu như nói không với các loại thức ăn công nghiệp.

Chính vì thế, thịt dê chắc, ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển chăn nuôi dê, nên địa phương sẽ thành lập nhóm “Chăn nuôi theo nhóm sở thích”. Thông qua nhóm này, các hộ chăn nuôi dê có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và thống nhất về giá bán và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

 

(1)

Tìm bài này trên Google:

  • trai nuoi de o quang ngai

Thảo luận cho bài: Phát triển mô hình nuôi dê ở Bình Trị (Quảng Ngãi)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *