Nội dung chính
Thâm canh lạc xuân có che phủ nilon.
Chọn giống
Sử dụng một số giống mới có triển vọng và cho năng suất cao như:
– Giống lạc MD7 và MD9: Do bộ môn miễn dịch Viện KHKTNN Việt Nam chọn tạo ra từ giống lạc nhập nội của Trung Quốc. Giống có thời gian sinh trưởng từ 125 – 135 ngày vụ xuân, từ 100 – 110 ngày trong vụ thu đông. Cây cao trung bình từ 35 – 50cm chịu hạn khá, năng suất trung bình 33 – 35 tạ/ha. Tỷ lệ nhân từ 68 – 70%. Đặc biệt giống MD7 có khả năng kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn.
– Giống L14: Do Trung tâm Nghiên cứu Đậu, đỗ Viện KHKTNN Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Giống có thời gian sinh trưởng từ 130 –140 ngày vụ xuân, từ 110 – 115 ngày vụ thu đông, là giống chịu thâm canh có tiềm năng năng suất cao, từ 38 – 40 tạ/ha. Tỷ lệ nhân cao 70 – 72%.
– Giống TQ6: Được tỉnh Hà Bắc (cũ) nhập nội từ Trung Quốc năm 1995. Giống có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày trong vụ xuân, từ 100 – 110 ngày trong vụ thu, là giống thấp cây, chống đổ tốt, chịu hạn khá, năng suất trung bình từ 28 – 30 tạ/ha.
– Giống SĐ1: Là giống mới được nhập nội từ Trung Quốc, có tiềm năng năng suất cao 40 – 42 tạ/ha, giống có thời gian sinh trưởng 130 – 140 ngày vụ xuân, từ 110–115 ngày vụ thu đông, tỷ lệ nhân 70 – 72%.
Thời vụ gieo trồng
Lạc xuân có thể gieo trồng từ 25/1 – 25/2 hàng năm, tốt nhất gieo từ 1/2 – 10/2.
Chuẩn bị nguyên vật liệu
* Nguyên vật liệu cần thiết tính cho 1 sào Bắc bộ bao gồm:
– Định lượng giống: Từ 6 – 8kg lạc vỏ, tùy từng giống. Giống lạc nhất thiết phải phơi lại dưới nắng nhẹ (2 nắng) trước khi đem đi trồng (phơi cả củ), phơi trên nong, nia, không được phơi trên nền xi măng. Lạc được tách vỏ, chọn những hạt to, mẩy đem gieo. Có thể gieo bằng hạt hoặc ủ mầm trước khi gieo, ủ bằng nước ấm trong thời gian 8 – 10 tiếng, vớt ra, để dóc nước rồi đem ủ, khi hạt nhú mầm thì đem gieo.
– Nilon: 3,5 – 4,0kg.
– Phân bón: + Phân chuồng ủ mục: 350 – 400kg
+ Lân Supe: 18 –20kg
+ Kali clorua: 4 – 5kg
+ Đạm urê: 2,5 – 3kg
+ Vôi bột: 18 – 20kg
Làm đất bón phân
– Làm đất: Chọn đất cát pha thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu và dễ thoát nước, đất được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, tỷ lệ hạt đất có đường kính, nhỏ hơn 1cm chiếm trên 70%. Lên luống rộng 90cm, cao 20cm, rãnh rộng 25cm.
– Bón phân: Sau khi lên luống tiến hành rạch 2 hàng dọc theo luống cách mép luống 30cm, rạch sâu 10cm. Bón lót toàn bộ lượng phân trên và san phẳng mặt luống. Riêng vôi bột chia thành 2 lần bón, lần thứ nhất bón 50% khi bừa phẳng, lần thứ hai bón 50% lượng còn lại khi cây lạc tắt hoa, có thể bón trực tiếp vào gốc hoặc rắc lên cây.
Mật độ, khoảng cách và phương hướng gieo hạt
– Mật độ trung bình trong vụ xuân từ 33 – 34 cây/m2, khoảng cách thích hợp 20cm x 30cm.
– Phương pháp gieo hạt: Trên luống , rạch 3 hàng dọc theo luống sâu 3 – 4cm, mỗi hàng cách nhau 30cm. Hạt được gieo ở độ sâu 3 – 4cm, gieo theo khóm, các khóm cách nhau 20cm, mỗi khóm gieo 2 hạt.
Kỹ thuật phủ nilon
Sau khi gieo hạt dùng thuốc trừ cỏ Ronstar pha 50cc/bình 10 lít, phun ướt đều trên ruộng, dùng cuốc gạt nhẹ đất ở 2 mép luống về phía rãnh, phủ nilon phẳng và kín đều trên mặt luống. Khi cây lạc nhú lên khối mặt đất dùng tay cấu nilon hoặc dùng ống bơ sữa bò, hộp chè đã tạo hình răng cưa để đục lỗ, đường kính lỗ khoảng 4 – 5cm tạo điều kiện thuận lợi cho lạc mọc lên khỏi mặt nilon.
Các biện pháp chăm sóc khác
– Gieo hạt trong điều kiện đất phải đủ ẩm, nếu đất khô có thể tưới ruộng trước khi cày hoặc tưới trực tiếp vào rạch trước khi gieo hạt, tuyệt đối không nên tưới nước vào rãnh ngay sau khi gieo vì ẩm độ đất cao làm các phân vô cơ tan nhanh sẽ gây ra hiện tượng thối hạt.
– Khi cây nhô lên khỏi mặt đất, dùng tay bới đất xung quanh gốc để lộ hai lá mầm tạo điều kiện thuận lợi cho cành cấp 1 phát triển sớm…
– Phun Boocdo 1%, Zinep 0,3%, Daconil 0,2% khi thấy lạc có biểu hiện của bệnh gỉ sắt, đốm lá.
– Dùng Anvil, Starner phun phòng bệnh héo rũ.
– Dùng Padan 95SP, Ofatox, Beettox phun khi lạc bị sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ, bọ phấn hay rệp muội gây hại.
Sử dụng biện pháp thủ công bắt giết, bả chua ngọt hoặc thuốc hóa học để diệt trừ sâu xám..
Nguồn: vietlinh.vn