Huyện Thới Bình được mệnh danh là “vương quốc” tôm càng xanh ở Cà Mau. Không chỉ là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về diện tích, sản lượng mà người nuôi tôm càng xanh ở đây còn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
Xuất phát điểm từ xã Tân Lộc Đông với vài hộ nuôi khoảng 3 ha từ năm 2010, đến nay trong toàn huyện có gần 10.000 ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Dự kiến năm 2016 con số này sẽ tăng lên 18.000 ha. Tôm càng xanh đã thật sự “bén rễ” trên đồng đất Thới Bình trong những năm gần đây.
Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Ảnh: THANH TRÀ
Chị Nguyễn Kiên Nhẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, nhận định: “Đây là mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân Thới Bình. Tuy nhiên, người nuôi vẫn còn chưa quan tâm nhiều trong chọn lựa con giống chất lượng cũng như vấn đề thu hoạch sao cho giá trị được cao hơn”.
Và hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp mô hình xen canh lúa, tôm càng xanh bền vững” vừa tổ chức vào ngày 26/11 vừa qua đã giải quyết một phần thắc mắc của bà con trong vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thới Bình.
Thực tế trên địa bàn các xã của huyện Thới Bình, nông dân thường chưa xem trọng vụ xen canh lúa – tôm càng xanh mà chỉ xem đây như thu nhập phụ. Trong khi đó, năng suất tôm càng xanh và lúa cho thu nhập khá cao. Cụ thể, vụ mùa năm 2014, năng suất lúa 3,84 tấn/ha và sản lượng trên 94.000 tấn. Tương tự vậy, tôm càng xanh có năng suất 160-220 kg/ha, tổng sản lượng gần 200.000 kg. Bình quân 1 ha sẽ thu về lợi nhuận từ 40-60 triệu đồng/vụ.
Ông Lê Hoàng Thính, ấp Nguyễn Quế, xã Tân Bằng, bộc bạch: “Tính ra vụ mùa năm rồi, gia đình tôi thu hoạch tôm sú không bằng vụ xen canh lúa – tôm càng xanh. Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa thấy hết hiệu quả của mô hình này nên chưa kéo dài vụ nuôi dẫn đến giá trị con tôm chưa cao”.
Cụ thể, vụ nuôi có thể bắt đầu từ trước khi cấy lúa và kết thúc sau khi đã gặt lúa một thời gian. Tuy nhiên, nhiều bà con vì thấy lợi ích trước mắt từ tôm sú nên kéo dãn thời gian thu hoạch dứt điểm tôm sú khiến thời gian rửa mặn ngắn, rồi đến khi cấy lúa xong mới thả tôm càng xanh. Đã vậy, vừa gặt lúa xong là thời điểm tôm đang lớn thì gấp rút thu hoạch đồng loạt tôm để bắt đầu vụ tôm sú khiến cho giá thành con tôm càng xanh không cao, lợi nhuận thu về không nhiều.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm khuyến cáo: “Mô hình xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình hiệu quả ổn định và bền vững hiện nay, do chưa thấy yếu tố dịch bệnh so với nuôi tôm sú. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay, theo dự báo, hiện tượng El-Nino sẽ kéo dài đến khoảng tháng 4-5/2016 mới có mưa nên việc giữ nước ngọt trong vuông tôm là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, thu hoạch tôm càng xanh năm nay bà con không nên tát cạn nước, hoặc nếu có tát thì cũng bao ví nước ở khu vực khác để sau khi thu hoạch tôm xong thì còn nước ngọt để hoà lẫn với nước mặn trên sông, phục vụ tốt hơn cho vụ tôm sú tiếp theo. Ngoài ra, để nâng cao giá trị tôm càng xanh, bà con nên chậm thu hoạch tôm sau khi đã gặt xong lúa, do thời điểm này tôm sẽ nhanh lớn vì ăn lúa đổ. Chỉ cần quan tâm một chút, thu nhập phụ sẽ thành thu nhập chính cho bà con”.
Với thời tiết hiện tại, nhiều địa phương đã thất thu vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, mô hình xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa là giải pháp tốt nhất, không chỉ cho nông dân huyện Thới Bình, mà cho cả nông dân của U Minh, Cái Nước và TP Cà Mau. Chỉ cần chịu khó nghiên cứu, tìm tòi trong sử dụng con giống chất lượng, thu hoạch bằng cách tỉa thưa thay vì tát cạn thì bà con sẽ có 1 vụ mùa bội thu về năng suất lẫn giá cả./.
Nguồn: nghenong.com