Trồng Cacao xen trong vườn nhãn

Cây ca cao trồng xen trong vườn nhãn đang phát triển nhanh tại Bến Tre, góp phần đem lại thu nhập cao cho nông dân trên cùng diện tích đất.Trồng Cacao xen trong vườn nhãn - cay cacao

Với mô hình trồng và sơ chế ca cao hiệu quả, đem về thu nhập rất cao cho gia đình anh Trần Hùng Sơn, ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Châu Thành.

Anh Trần Hùng Sơn là một trong những nông dân của tỉnh Bến Tre đã từng trồng cây ca cao cách nay khoảng 35 năm và cũng từng đốn bỏ ca cao. Đó là vào thời điểm năm 1977, anh đầu tư trồng xen 1 hec ta ca cao trong vườn nhãn của gia đình. Tuy nhiên, được khoảng 4 năm, nhưng không ai mua. Anh đành đốn bỏ ca cao để tập trung chăm sóc vườn nhãn.

 

Năm 2002, giữa lúc trái nhãn rớt giá xuống thấp, anh Sơn tình cờ đọc được bài báo “Ca cao sống lại” của tác giả Nguyễn Văn Uyển, công tác tại Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Anh liền đi tìm tác giả bài viết để tìm hiểu sự thật như thế nào. Thấy anh Sơn là người có tâm huyết với cây ca cao, thầy Uyển khẳng định với anh: Nếu anh trồng ca cao có trái, trường sẽ mua hết, một ký cũng mua! Thầy Uyển còn cho anh biết về tiềm năng đầy hứa hẹn của thị trường ca cao. Sau chuyến đi này, anh Sơn đầu tư trồng ca cao trở lại, anh xin thầy Uyển 20 trái ca cao đem về ươm và nhân giống trồng xen trong vườn nhãn.Năm 2003, tỉnh Bến Tre khởi động chương trình phát triển trồng xen cây ca cao trong vườn dừa và vườn cây ăn trái. Lúc này, vườn ca cao tươi tốt của anh Sơn đã được nhiều đoàn chuyên gia tìm đến tham quan. Đặc biệt anh được các nhà khoa học công tác tại Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chọn để hợp tác ghép giống, nghiên cứu ra bộ giống ca cao của tỉnh Bến Tre với 24 dòng từ TD 1 đến TD 24. Trong số này có các giống mà tỉnh Bến Tre chọn phát triển nhân rộng gồm TD 3, TD 5, TD 8, TD 9, TD 10, TD 11 và có 3 giống chủ lực là TD 3, TD 5, TD 10. Vườn ca cao của anh cũng là địa chỉ cung cấp bo ca cao cho các cơ sở sản xuất giống bán cho người trồng.

Nhờ có kinh nghiệm trồng và chăm sóc phù hợp, vườn ca cao của anh Sơn đạt năng suất rất cao. Anh còn tận dụng vỏ ca cao đậy gốc cây, sau thời gian khỏang 7 tháng, vỏ ca cao mục thành phân hữu cơ giúp tơi xốp đất và cung cấp kali cho cây. Từ thời điểm cây được 5 năm tuổi đến nay, anh đốn bỏ bớt nhãn, trồng tổng số khoảng 900 cây ca cao, năng suất trái ổn định 30 – 35 tấn trái, tương đương 3 đến 3,5 tấn hạt khô/năm. Năm 2010, anh Sơn thu nhập từ vườn ca cao của mình khoảng 200 triệu đồng. Với kinh nghiệm trồng ca cao của mình, để vườn ca cao đạt được năng suất cao, người trồng cần có sự quan tâm đầu tư, chăm sóc cây trồng. Anh Sơn cho biết: “Ca cao dễ trồng nhưng để đạt được hiệu quả đòi hỏi nông dân phải chăm sóc ở mọi giai đoạn của cây. Ngoài bón phân đầy đủ theo định kỳ, khâu quan trọng là tạo tán, tỉa cành để cây có trái, thông thoáng và ít sâu bệnh”.

Năm 2004, thông qua tài trợ của Tổ chức quốc tế Success (Hoa Kỳ), anh Sơn được hỗ trợ kinh phí khoảng 20 triệu đồng để đầu tư xây dựng mặt bằng, dàn phơi, dàn sấy năng lượng mặt trời, làm điểm thu mua và sơ chế hạt ca cao. Sản lượng hạt ca cao anh Sơn sơ chế những năm đầu khoảng 6 – 7 tấn/năm. Trong 3 năm trở lại đây, anh thu mua và sơ chế mỗi năm khoảng 20 tấn hạt ca cao xuất khẩu, trừ các chi phí, anh Sơn thu lãi gần 50 triệu đồng mỗi năm. Về thị trường tiêu thụ ca cao, anh Sơn khẳng định sẽ bền vững vì hiện nay nhu cầu hạt ca cao trên thế giới cung không đủ cầu; đồng thời ở Bến Tre hiện có nhiều công ty trong và ngoài nước thu mua hạt ca cao của người dân.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Trồng Cacao xen trong vườn nhãn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *