Những năm trước đây, nhiều người dân rủ nhau trồng cây dó bầu để cấy trầm, ôm giấc mơ thu tiền tỉ. Song, giấc mơ ấy khó thành sự thật khi cây đã đến tuổi mà nông dân chẳng biết bán cho ai.
Nuôi mộng tiền tỉ
Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó bầu. Khi sản phẩm tự nhiên ngày càng cạn kiệt, vào những năm 1990, với những thành công bước đầu trong việc cấy hóa chất vào cây dó bầu tạo trầm đã tạo ra làn sóng ồ ạt trồng dó bầu.
Vốn bỏ ra không nhiều, cách trồng đơn giản và chỉ sau vài năm cây dó bầu được cấy trầm lợi nhuận có thể cho lợi nhuận vài tỉ đồng/héc ta. Nghe đồn thổi thế, nhiều hộ không chỉ trồng cây dó bầu xung quanh vườn nhà, hàng rào, trồng xen canh với các loại cây trồng khác mà còn chuyển sang trồng trên cả đất nông nghiệp. Nhiều địa phương còn xem dó bầu là cây xóa đói giảm nghèo, nên đã cấp cây giống miễn phí khuyến khích dân trồng.
Trở lại xã ở huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, Quảng Ngãi, không khó để thấy cây dó bầu từ nhỏ đến lớn vươn lên lấn át cây keo, cây quế. Chỉ tay vào những cây dó bầu bên vườn nhà, anh Hồ Thanh Hùng ở thôn Trà Ong, xã Trà Thanh (Tây Trà) nói: “10 năm trước nghe nói trồng dó bầu có thể kiếm tiền tỉ nên quyết định trồng 300 cây xen với keo, quế. Tôi hy vọng lắm, nhưng cây dó bầu có vẻ như không thích nghi được như cây keo, cây quế, nó chết chỉ còn 60 cây. Giờ đã đến tuổi mà chẳng thấy ai hỏi mua”.
Ai mua dó bầu?
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm đến một vườn ươm ở xã Trà Thủy. Chủ vườn ươm cho biết, trồng cây dó bầu rất dễ, không khác gì trồng rừng. Để có trầm hương nhân tạo bằng cách dùng khoan khoan sâu vào thân, lấy mảnh thép găm vào thân cây và tiêm vào đó một hỗn hợp hóa học kích thích tạo trầm.
“Chỉ cần cây dó bầu 3 năm tuổi là có thể cấy trầm. Thời gian trôi qua từ 4 năm trở lên, nước mưa thấm vào, hòa với nhựa của cây, sẽ kết trầm. Mỗi ký trầm nay có giá 2,7 triệu đồng”- ông chủ vườn ươm nói chắc nịch.
Như lời chủ vườn ươm nói với mỗi hécta dó bầu, sau 7 năm sẽ thu được vài tỉ. Đây quả là con số nằm mơ nhiều người cũng không dám nghĩ tới. Tuy nhiên khi hỏi các nông dân thì hầu hết đều cho biết, họ chỉ nghe đồn thổi chứ chưa có ai đến đặt vấn đề hỏi mua hay tạo trầm cho cây dó bầu.
Một cán bộ của Hạt Kiểm lâm Trà Bồng xin được giấu tên cho chúng tôi biết, đó chỉ là trò “câu mồi” của các chủ vườn ươm. Nhiều chủ vườn ươm hằng ngày lặn lội đến các gia đình trồng dó bầu trả giá mỗi cây vài chục triệu khiến người dân ôm mộng rồi bỏ đi. Họ làm như thế để thu lợi nhuận từ bán cây con giống.
“Nhà tôi cũng trồng vài chục cây đã gần 12 năm tuổi, tôi trông cho có ai hỏi mua vài trăm nghìn/cây tôi bán ngay lấy tiền chứ để làm chi. Lấy gỗ cũng chẳng được vì thân mềm sụp”- vị cán bộ kiểm lâm nói.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho hay, vài năm trước trên địa bàn xã cũng có thương lái đến đặt mua dó bầu từ 10 năm tuổi trở lên, một số người cũng đặt vấn đề mua dó bầu để cấy thuốc tạo trầm, nhưng không hiệu quả nên hoạt động mua bán bị ngưng lại. Cây dó bầu không phát huy hiệu quả như mong đợi của nhiều người.
Dó bầu là một loại cây rất đặc biệt, có thời gian sinh trưởng kéo dài. Theo một số tài liệu đúc kết được của các nhà khoa học, có hai phương pháp chính để tạo trầm trên cây dó bầu đó là gây tổn thương và gây tổn thương kết hợp với chế phẩm sinh học hoặc hóa chất.
Quá trình hình thành trầm trong cây dó là do một loại khuẩn của cây sinh ra để ngăn chặn côn trùng ở những vị trí có vết thương trên cây. Khi vết thương được ngăn chặn sẽ hình thành một lớp mỏng màu nâu hoặc sậm, nằm giữa phần gỗ chết (khô) và phần gỗ sống (tươi). Nếu nạo lấy lớp mỏng này đưa vào lửa đốt sẽ tỏa mùi hương trầm, nhưng đây thực tế chưa phải là trầm nên việc tạo trầm trên cây dó bầu chưa cho kết quả như mong muốn, đôi khi còn gây ra tổn hại cho người trồng, ít ai giàu lên từ loại cây trồng này. Nếu có chỉ là những người buôn bán cây giống.
Về mặt khoa học, việc tạo trầm, kỳ nam cũng chưa được khẳng định chắc chắn. Từ xưa đến nay ở Việt Nam chưa có mô hình hiệu quả cao nào được tổng kết chuyển giao, trong khi thị trường tiêu thụ phần lớn bán cho thương lái Trung Quốc, vì thế bà con nông dân không nên đặt niềm hy vọng lớn vào loại cây trồng này.
Theo Ái Kiều (Quảng Ngãi Online)