Theo Đông y, toàn bộ cây hướng dương được dùng làm thuốc: hoa có tác dụng bổ dưỡng can thận, chỉ thống – giảm đau, hạ huyết áp.
Rễ có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp bình suyễn, chỉ khái (cầm ho). Lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Hạt hướng dương có tác dụng tư âm, chỉ lỵ, trừ mủ, thấu ban chẩn. Thân, rễ có tác dụng chữa sỏi thận, tiểu tiện khó, phù thũng, ho hen, bạch đới…
Sau đây là một số tác dụng chữa bệnh từ cây hướng dương:
Chữa hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng): rễ cây hướng dương 60g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc 1 đĩa hoa hướng dương bỏ hạt, thêm chút đường. Sắc uống ngày 1 thang.
Cũng có thể dùng nhân hạt hướng dương 6g, giã nát, uống nước khi đi ngủ với nước đường.
Chữa bốc hoả do âm hư ở phụ nữ mãn kinh: hạt hướng dương 20g, lá dâu bánh tẻ tươi 20g, hoa hiên 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa sỏi tiết niệu: thân cây hướng dương (bóc vỏ lấy lõi) 10g, kim tiền thảo 20g. Sắc uống 1 ngày.
Chữa bạch đới, khí hư: thân, rễ cây hướng dương 20g, hạt bo bo (ý dĩ) sao vàng 20g, rễ cây bấn 15g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đau bụng kinh: hạt hướng dương 40g, củ mài 15g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
Chữa đái tháo đường: rễ cây hướng dương 150g. Sắc uống trước khi ăn cơm, vào buổi sáng sớm, uống liền 5 – 7 ngày.
Chữa ho gà: rễ cây hướng dương 50 – 100g, sắc uống ngày 1 thang, uống khi bụng còn đói trước khi ăn cơm sáng, trưa, tối.
Chữa sỏi túi mật: lá hướng dương 40g, rễ lau 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa tăng huyết áp, tiện bí, ù tai: hạt hướng dương thêm gia vị, lượng nước vừa đủ, nấu chín, chắt bỏ nước, rang khô vừa, thỉnh thoảng ăn; hoặc rang khô, ăn vặt vào buổi tối. Hạt hướng dương hoặc dầu hạt hướng dương, đối với bệnh tim, tăng lượng mỡ trong máu, cao huyết áp có tác dụng phòng trị.
Chữa ho lâu ngày: hạt hướng dương 10g (giã nát), thân cây hướng dương (bóc vỏ ngoài) 15g, sau sắc lấy nước thêm đường trắng lượng vừa đủ uống.
Chữa mụn nhọt: nhân hạt hướng dương, giã nát nhuyễn, đắp hoặc bôi bằng dầu hạt hướng dương.
Nguồn: caygiong.org