Giống bò Mông là giống vật nuôi bản địa tại huyện Kỳ Sơn, có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi bò Mông đã góp phần đắc lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở huyện rẻo cao này.
Đàn bò Mông ở Kỳ Sơn được nuôi nhiều ở các xã có đồng bào người Mông sinh sống như: Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy… Chính vì vậy, người ta gọi giống bò này là bò Mông, hay bò U. Giống bò Mông có ngoại hình khác hẳn giống bò vàng, đầu to vừa phải, vai nở, ngực rộng sâu, chân thẳng to, thân hình cao to cân đối, lông màu vàng tơ, hoặc màu cánh dán, trọng lượng đối với bò đực khi trưởng thành đạt từ 300 – 400 kg. Giống bò Mông có trọng lượng to, dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thịt ngon, có những con bò đực nặng hơn 4 tạ, bán với giá trên 40 triệu đồng.
Bò Mông dễ nuôi, ít bị dịch bệnh – Nguồn: Báo Nghệ An
Tổng đàn bò của huyện Kỳ Sơn hiện có gần 43 nghìn con chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng đàn gia súc trong huyện. Đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc trên toàn huyện đã trồng được 750 ha cỏ voi, VA06 để chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, xã Huồi Tụ hiện có 778 hộ đồng bào dân tộc Mông. Ông Vừ Giống Dìa – Chủ tịch UBND xã, cho biết: Lợi thế của địa phương phần lớn là đồi núi, nên có điều kiện chăn nuôi bò. Hiện đàn bò của xã có 3.087 con, tăng hơn 100 con so với năm trước. Từ lâu, người dân ở đây coi chăn nuôi bò là mũi nhọn phát triển kinh tế hộ. Hàng tháng đều có xe ô tô của các đầu nậu đến địa bàn mua bò chở đi nơi khác tiêu thụ. Nhận thấy chăn nuôi bò Mông là hướng phát triển kinh tế phù hợp với đồng bào dân tộc Mông, góp phần đắc lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT (Sở Khoa học – Công nghệ) thực hiện Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ phát triển giống bò vàng địa phương (bò Mông) tại xã Mường Lống”. Dự án sẽ giúp đồng bào các dân tộc thực hiện tốt khâu chọn lọc giống bò đực, phòng chống dịch bệnh trên đàn bò, nâng cao giá trị thu nhập cho người chăn nuôi.
Nguồn: sưu tầm