Bệnh bại liệt trước và sau khi đẻ

Bệnh thường xảy ra đột ngột ở bò sữa, lợn nái trước và sau khi đẻ khoảng 3-5 ngày đầu.

Bệnh bại liệt trước và sau khi đẻ - benh bai liet truoc va sau khi de

Bò sữa béo tốt, sản lượng sữa cao và đẻ từ lứa thứ 3 đến lứa thứ 6 hay mắc bệnh.

Lợn nái thường mắc ngay từ lứa thứ nhất. Con vật bệnh thường thể hiện những triệu chứng thần kinh như run rẩy, co giật… Sau đó bốn chân mất cảm giác và liệt hẳn.

Lợn nái, bò sữa nuôi trong gia đình hay trang trại đều gặp bệnh này.

1. Nguyên nhân

– Do thiếu lượng canxi trong máu một cách đột ngột ở gia súc cái sau khi đẻ.

– Cơ thể gia súc giai đoạn mang thai, nhất là giai đoạn cuối không được cung cấp đủ các muối photphat canxi trong khi thai lại phát triển nhanh hình thành bộ xương cần đến một lượng lớn muối canxi.

– Sau khi đẻ gia súc cái cho nhiều sữa, trong đó có nhiều muối canxi của con mẹ được truyền vào sữa. Việc đó làm cho lượng canxi giảm xuống đột ngột trong máu gây ra bệnh bại liệt của bò sữa và lợn nái sau khi đẻ.

2. Triệu chứng lâm sàng

– Lượng canxi trong máu của gia súc cái thời kỳ mang thai và nuôi con bằng sữa giảm xuống đột ngột sẽ dẫn đến rối loạn điều tiết nhiệt, sốt cao 41-42oC, rối loạn vận động, đi đứng xiêu vẹo, mất cảm giác và nằm liệt, nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh.

– Thể bệnh điển hình chiếm khoảng 20% tổng số súc vật mắc bệnh. Bệnh nặng tiến triển rất nhanh. Từ khi có dấu hiệu lâm sàng đầu tiên đến lúc xuất hiện các triệu chứng điển hình không quá 12 giờ.

Con vật bỏ ăn hay ăn ít, đại tiểu tiện mất hẳn, chướng hơi nhẹ, lượng sữa giảm. Con vật ủ rũ, bồn chồn, mắt lờ đờ, không muốn đi lại, chân sau lao đảo, đứng không vững, run rẩy, các bắp thịt run run, co giật.

Sau đó, vật bệnh thở mạnh, chảy rớt dãi, hoảng hốt, nhiệt độ đột ngột tăng cao 40-41oC, con vật ngã lăn, bốn chân run rẩy, không đi lại được. Nếu không cứu chữa kịp thời thì sau 12-48 giờ 60% số gia súc mắc bệnh sẽ bị chết.

– Những con mắc bệnh sau khi đẻ từ 6-8 giờ hoặc mắc bệnh ngay sau khi đẻ bệnh phát triển càng nhanh và càng nặng. Có trường hợp con vật bệnh chết sau vài giờ. Trường hợp nhẹ, con vật thể hiện khô mũi, ăn ít, đi lại khó khăn, xiêu vẹo, nhưng cuối cùng cũng dẫn đến liệt chân. Khi đã nằm liệt thì thân nhiệt giảm hơn bình thường (36,5-37oC), đầu tai và bốn chân lạnh giá, cứng đờ.

3. Điều trị

– Bơm không khí vào đầu vú: Trước khi điều trị, nếu con vật nằm nghiêng thì lật cho nằm sấp để đề phòng thứ phát viêm phổi do nước dãi tràn vào phế quản và phổi. Sau khi bơm không khí vào đầu vú, các đầu mút của dây thần kinh trong tuyến vũ bị kích thích, hưng phấn làm cho huyết áp cơ thể tăng và hạn chế cho sữa, hạn chế lượng canxi giảm trong máu. Để tránh nhiễm trùng vú có thể bơm kèm theo một ít dung dịch Penicillin. Cần vắt kiệt sữa trước khi bơm không khí.

– Gluconat canxi hay Chlorua canxi 20%: Tiêm vào tĩnh mạch cho con vật với liều 200ml/kg thể trọng. Tiêm chậm và tiêm liên tục trong vài ngày.

– Trợ tim mạch: tiêm Cafein và vitamin B1. Nếu con vật hạ nhiệt độ thì tiêm long não nước.

– Hộ lý: Để gia súc nằm yên tĩnh, giữ gìn vệ sinh nơi gia súc nằm.

– Chăm sóc gia súc sau khi đứng dậy, đi lại được.

Đặc biệt tăng lượng canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày, cho ăn 200g cốm canxi/ngày.

4. Phòng bệnh:

Đảm bảo khẩu phần ăn của gia súc cái sau đẻ và suốt thời kỳ cho sữa đủ lượng canxi cần thiết.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Bệnh bại liệt trước và sau khi đẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *