Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư hại ớt

Bệnh thán thư là một bệnh gây hại nghiêm trọng trên ớt trong mùa mưa, làm cho quả thối hàng loạt. Bệnh gây hại nặng trên hầu hết các vùng trồng ớt ở nước ta. Tỷ lệ bệnh ở những ruộng nhiễm bệnh nặng có thể lên tới 70%.

Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư hại ớt - 5612fabc2d5061. Tác nhân gây bệnh:

Bệnh thán thư hại ớt do nấm Colletotrichum spp. gây ra.

2. Triệu chứng bệnh:

Bệnh gây hại trên nhiều bộ phận của cây ớt như lá, thân và quả.

– Trên lá: Vết bệnh hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định, xếp theo chiều dài của gân lá. Lúc đầu, đốm bệnh ở mặt dưới lá có màu nâu nhạt, sau chuyển màu nâu sậm, có viền đỏ, lan rộng và lõm sâu.

– Trên cuống lá và thân cây: Vết bệnh cũng lõm xuống tạo thành vết dọc màu nâu đen. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm.

– Thiệt hại nặng nhất là bệnh tấn công trên quả làm thối quả hàng loạt, đôi khi thất thu năng suất 100%. Bệnh thường gây hại trong giai đoạn đang thu hoạch. Nếu trên giống nhiễm, bệnh gây hại cả quả non, ban đầu xuất hiện những đốm tròn nhỏ có màu xanh đậm, lõm xuống, hơi ướt, sau đó vết bệnh lớn dần có hình thoi đến bầu dục, màu vàng nhạt đến trắng xám hoặc đen, bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm nhô lên, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng. Trái ớt sau thu hoạch vẫn tiếp tục bị bệnh.

3. Điều kiện phát sinh, phát triển:

– Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống, tàn dư thực vật hoặc sống trong đất 1 – 2 năm. Điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển.

– Trồng dày, bón thừa đạm cũng là điều kiện tốt cho nấm bệnh thán thư phát triển mạnh.

– Bào tử nấm phát tán nhờ gió, mưa và côn trùng.

4. Biện pháp phòng trừ:

Khi trồng ớt trong mùa mưa, tốt nhất ngay từ đầu vụ nên áp dụng biện pháp tổng hợp để hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh thán thư.

– Chọn giống kháng bệnh (giống ớt chỉ thiên ít nhiễm bệnh thán thư).

– Sử dụng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm bệnh như: Viroval, Metalaxyl… – Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng. Nấm tồn tại trên các tàn dư thực vật nên cần thu gom tất cả các quả bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan.

– Không nên trồng ớt quá dày, thường xuyên làm cỏ, tỉa bỏ lá già tạo cho ruộng ớt thông thoáng.

– Luống/liếp phải cao và thoát nước tốt, tưới vừa đủ nước.

– Bón phân cân đối, không bón nhiều phân có hàm lượng đạm (N) cao, lá xanh mướt tạo cho bệnh bệnh phát triển mạnh. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học Trichoderma cho ruộng ớt.

– Luân canh với các cây khác họ (không trồng liền vụ với cây ớt hoặc cà).

– Thường xuyên thăm ruộng ớt. Khi phát hiện bệnh mới chớm nên phun một trong các loại thuốc sau: Amistar 250SC, Plant 50WP, Antracol 70WP, Polyram 80DF, Daconil 500SC, Melody DUO 66,75WP, Ringo-L 20SC… Sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư hại ớt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *