Chuyển trồng Lúa kém hiệu quả sang trồng Ớt

Những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt. 

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích canh tác, những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt, tiết kiệm nguồn nước tưới và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện toàn huyện đã có 1.860ha ớt các loại, chiếm hơn 65% tổng diện tích trồng ớt của tỉnh, trồng tập trung chủ yếu ở các xã cù lao và vùng ven. Trong số đó, khoảng 20% nông dân được đầu tư hạt giống và thu mua sản phẩm theo giá thị trường.

Chuyển trồng Lúa kém hiệu quả sang trồng Ớt - 1464922265 ot 1

Ớt Thanh Bình khẳng định thương hiệu.

Việc chủ động thu mua, bảo tiêu sản phẩm của các cơ sở thu mua ớt trên địa bàn đã giúp nhiều nông dân an tâm SX, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và phát huy hiệu quả, xây dựng thương hiệu “Ớt Thanh Bình”.

Để ớt đạt năng suất cao, bà con đã thực hiện đúng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời… Mỗi công ớt (1.000m2) cho thu hoạch 3 đợt trái, năng suất dao động từ 1 – 1,5 tấn.

Anh Trần Văn Tùng ở xã An Phong trồng hơn 10 công ớt chia sẻ: “Mùa này trồng ớt cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều cơ sở thu mua nên cũng dễ dàng tiêu thụ. Giá cả hiện nay tương đối ổn định, sau khi trừ chi phí thuốc men cũng cho lợi nhuận khá”.

Hiện tại ớt trái được thương lái thu mua tại ruộng với giá 15.000 – 18.000 đồng/kg, giá ớt khô dao động từ 55.000 – 60.000 đồng/kg và trên địa bàn huyện có rất nhiều cơ sở thu mua ớt khô để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như: Dũng Ớt, 2 Mành, 6 Nếu, 8 On, Xuân Bảo, Tấn Đạt… mỗi ngày thu mua hàng chục tấn ớt thương phẩm.

Ông Nguyễn Văn Danh, thương lái thu mua ớt ở xã An Phong, cho biết: “Ớt được thu mua tập trung của các nông dân để xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Hiện nay, nhiều thương lái đã đặt cơ sở ở các địa phương để thu mua với lượng lớn tập trung rồi lên xe chuyển ra TP. HCM sau đó tiến hành XK”.

Trung bình mỗi năm ớt trên địa bàn huyện cho sản lượng 15.000 – 20.000 tấn, chủ yếu là ớt chỉ thiên (chiếm hơn 80% sản lượng). Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, khả năng thích nghi cao, nên ớt trồng ở đây có màu đỏ đẹp, vị rất cay, phẩm chất tốt, thời gian lưu giữ được lâu. Nhiều cơ sở đã ký kết với nông dân trồng ớt trong bao tiêu sản phẩm với hình thức thu mua theo giá thị trường hoặc đầu tư một phần về giống hay chi phí khác.

Theo tính toán của bà con, sau 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu liên tục, sản lượng đạt từ 10 – 15 tấn/ha, thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/ha. Sản phẩm ớt Thanh Bình còn được chế biến nhiều loại đa dạng khác như tương ớt, bột ớt, muối ớt, ớt khô… để có thể cạnh tranh với thị trường nội, nâng cao giá trị sản phẩm từ ớt.

Tỉnh Đồng Tháp đang chủ động thực hiện mô hình trồng ớt liên kết bao tiêu sản phẩm tiến đến chuỗi giá trị cây ớt trong tương lai nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ XK và tiêu dùng.

 
Theo Lê Hoàng – Phú Thuận (Nông Nghiệp Việt Nam)

Thảo luận cho bài: Chuyển trồng Lúa kém hiệu quả sang trồng Ớt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *