Giống ớt Tiela khi lên tầng trên trái vẫn to, bóng, đỏ đẹp đáp ứng nhu cầu XK tốt, nhất là thuận lợi cho việc thu hoạch.
Giới thiệu ưu điểm của trái ớt Tiela cho đoàn tham quan
Tại các vùng trồng ớt chuyên canh ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vụ hè thu 2015, nông dân đang tất bật thu hoạch giống ớt lai F1 Tiela – Hai mũi tên đỏ, một Tập đoàn chuyên SX và cung ứng hạt giống rau hàng đầu của Hà Lan.
Nông dân Dương Công Tuyết (ấp An Thọ, xã An Thạnh Thủy) đứng bên 2 công ớt (1.000 m2/công) phấn khởi nói: “Tui vừa hái đợt đầu được gần 300 kg ớt tươi, bán cho thương lái giá 25 ngàn/kg, vị chi được 7,5 triệu đồng. Từ đây đến cuối tháng 9, tui còn thu hoạch (hái) lai rai thêm 8 – 9 đợt nữa.
Tính ra, 1 công đạt năng suất gần 2 tấn, vị chi 20 tấn/ha, thu nhập 500 triệu/ha/vụ. Trừ chi phí phân nửa, còn lãi 250 triệu đồng trong vòng 4 – 5 tháng. Một năm trồng 2 vụ, chắc chắn thu nhập tiền tỷ!”.
Theo ông Tuyết, năm 2014 ông trồng giống ớt của một công ty khác nhưng không đạt, trái đóng cây thưa, tỉ lê trái “cụt đầu” nhiều nên cuối vụ năng suất đạt chưa tới 10 tấn/ha, lại gặp giá rẻ có 14 ngàn đồng, tính ra huề vốn.
Theo bà Nguyễn Thị Lan ấp Bình Phú, xã Bình Ninh cũng đang thu hoạch 3 công ớt Tiela, do đặc điểm giống trái to nên thu hoạch (hái) nhanh, 1 giờ đạt khoảng 3,8 – 4 kg, đỡ công lao động hơn giống ớt chỉ thiên (trái nhỏ). Ngoài ra, cây “đi kê” (tàng ra) rất nhiều..
“Năm 2013, tui trồng giống khác ra trái đực, trái nhỏ mọc chi chít hái tốn nhiều công. Sau đó, chuyển qua trồng giống ớt 44, trái to bằng ngón chân bán hàng chợ, không có giá trị xuất khẩu.
Sau này qua đại lý, người ta hướng dẫn nên dùng giống ớt của các công ty thương hiệu nên tui mới biết giống Tiela này.
Ngày 31/7 vừa qua, Tập đoàn Hai mũi tên đỏ chọn ruộng ớt của ông Tuyết làm điểm tham quan cho các nông dân trồng ớt ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp… đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng giống ớt Tiela.
Do trồng ớt xuất khẩu hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã thu hút khá đông nông dân ở nhiều địa phương đến tham quan, ước tính không dưới 500 người, kể cả thương lái.
Đứng ngay trên bờ ruộng ớt sum xuê trái đỏ rực, ông Lưu Khoan ở xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi với TS Đặng Văn Niên (Tập đoàn Hai mũi tên đỏ): “Thưa ông, 1 ha trồng bao nhiêu tép (gói), ưu điểm của giống ớt Tiela là gì?”
Qua đánh giá của một vài thương lái ngay tại ruộng ớt trình diễn đều cho thấy năng suất cũng như mẫu mã, chất lượng trái ớt Tiela đều tốt, rất thích hợp cho việc xuất tươi và phơi khô.
TS Niên đáp: “1 công đất cần 4 – 5 tép (gói 5 gr), tức 1 ha trồng khoảng 200 gr hạt giống. Năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Với giá XK 25 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên tới 50 ngàn nên 1 ha thu nhập cả tỷ đồng.
Ở ngoài miền Bắc, vụ rồi có nông dân trồng 2 ha, 1 ngày thu đến 50 triệu đồng và kéo dài tới 2 – 3 tháng”.
Vẫn theo TS Niên, sản lượng ớt của Việt Nam chủ yếu là XK tươi (khoảng 80%) cho các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Singapore.. nên trái ớt phải đạt tiêu chuẩn là dạng trái dài, cứng, màu sắc đẹp, khả năng tồn trữ và vận chuyển xa tốt.
Giống ớt Tiela khi lên tầng trên trái vẫn to, bóng, đỏ đẹp đáp ứng nhu cầu XK tốt, nhất là thuận lợi cho việc thu hoạch.
Ngoài ra, giống còn có phổ thích ứng rộng, chống chịu bệnh hại tốt hơn các giống khác, đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh héo xanh vi khuẩn, là bệnh nguy hiểm nhất trong SX cây ớt hiện nay.
Ông Trần Vĩnh Kim (xã Lạc Qưới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trồng 4 công giống ớt Tiela được 1 năm nay cho biết thêm, tại địa phương trồng 1 vụ/năm vào đầu tháng 9 từ đầu vụ lũ, “tuổi thọ” từ 5 – 6 tháng.
Trước đây, giống ớt quen trồng chỉ cho lứa trái đầu tiên có năng suất và độ đồng đều cao. Nhưng từ lứa thứ 2 trở đi, trái ớt gầy, lại không đồng đều, bị cong, vẹo… khiến cho năng suất thu các lứa sau giảm đáng kể, mẫu mã xấu giá bán thấp. Còn giống ớt Tiela khắc phục được các nhược điểm kể trên.
Nguồn: tổng hợp