Các dòng vịt Super như Super M hay Super Heavy có ưu điểm tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nhưng có khả năng cho sản lượng thịt cao.
Các giống vịt dòng Super cho năng suất cao hơn giống vịt truyền thống..
Những năm đầu của thập kỷ 90, nhờ tiến bộ KHCN của thế giới, các giống vịt cao sản được nhập vào nước ta như vịt Anh đào Hungary, vịt Bắc Kinh, vịt Super M, vịt CV 2000 layer, vịt Khakicampbell.
Sau thời gian nhân nuôi, chọn tạo cho thấy khả năng thích nghi, phát triển của chúng rất tốt trong điều kiện sinh thái Việt Nam, đặc biệt là các giống vịt thuộc dòng Super.
Năm 2014, Sở KH-CN Hải Dương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) xây dựng mô hình nuôi vịt Super M3 tại 2 xã Ngô Quyền (Thanh Miện) và Hùng Thắng (Bình Giang) với quy mô 10.000 con.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ nuôi sống của vịt Super M3 tương đối cao, đạt trên 98%. Khi từ 2 tuần tuổi trở đi, vịt có sức đề kháng tốt, sinh trưởng tốt, độ đồng đều cao, trong lượng trung bình vịt đạt từ 2,8 – 3,5 kg.
Ông Nguyễn Văn Khương, hộ tham gia mô hình nuôi vịt Super tại xã Ngô Quyền cho biết, gia đình ông nuôi hơn 1.000 con vịt Super M3, tỷ lệ sống cao (đạt 99%), 46 ngày vịt có trọng lượng 2,8 kg, với giá bán tại thời điểm này là 45.000 – 48.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mang lại lợi nhuận 35 – 37 triệu đồng/1.000 con, vượt trội so với các giống vịt khác tại địa phương.
Ông Khương chia sẻ thêm, các dòng vịt Super như Super M hay Super Heavy có ưu điểm tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nhưng có khả năng cho sản lượng thịt cao. Hơn nữa, vịt có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
TS. Lê Thị Nga, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chia sẻ, chăn nuôi vịt ở nhiều nơi đã trở thành nghề SX chính trong nông nghiệp, về mặt xã hội đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu SX, đa dạng sản phẩm, sản lượng thịt và trứng tăng nhanh.
Số lượng đàn vịt tại Việt Nam tăng nhanh, từ 54 triệu con lên 86 triệu con và đến nay là 90 triệu con, đứng thứ nhì thế giới sau Trung Quốc. Đạt được thành quả đó là nhờ có đóng góp lớn của KHCN.
Để đáp ứng được yêu cầu của SX, cần cải tiến nâng cao năng suất hơn nữa bằng con đường nhập ngoại. Từ năm 1998, Trạm Nghiên cứu gia cầm Cẩm Bình (Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương) đã nhập một loạt giống vịt ông bà CV Super M gồm 2 dòng, qua 9 thế hệ chọn lọc nâng cao khả năng SX của vịt dòng ông (CB1), dòng bà (CB2) bằng phương pháp chọn lọc, tạo dòng đơn giản theo nhóm quần thể nhỏ và áp lực chọn lọc cao có luân chuyển trống mái để tránh cận huyết.
Cũng như nhiều địa phương, những năm trước đây các giống vịt nuôi thương phẩm ở Hải Dương chủ yếu là vịt cỏ, vịt khoang, vịt bầu… có thời gian sinh trưởng từ 60 – 70 ngày, năng suất đạt 1,5 – 2,5 kg/con nên hiệu quả kinh tế thua các giống vịt dòng Super. Bởi vịt Super cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt, tỉ lệ đẻ trứng và tỉ lệ phôi cao.
Kết quả cho thấy: Qua các thế hệ vịt CB1 có tỷ lệ nuôi sống cao ở các giai đoạn con, dò, hậu bị: 97 -100%; tương ứng vịt CB2: 96 – 99 %. Khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi vịt CB1 con trống đạt 2,3 -2,7 kg/con, vịt CB2 con trống có khối lượng trung bình: 2,0 – 2,2 kg/con. Năng suất trứng/mái/64 tuần tuổi: Vịt CB1 là 164 – 170 quả; vịt CB2 đạt 181 quả (thế hệ 9) tăng 12,03 quả so với thế hệ 1 (169,21 quả). Vịt CB1 ở thế hệ 9 có tỷ lệ phôi: 89,9%, tỷ lệ nở loại I/trứng có phôi: 79,22%, tương ứng vịt CB2: 91,79%; 82,31%.
Vịt thương phẩm (trống CB1 x mái CB2) nuôi thịt đến 8 tuần tuổi có tỷ lệ nuôi sống 98%. Khối lượng cơ thể đạt 3,3 kg. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng thấp 2,62 kg. Từ năm 1998 đến nay Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã cung cấp hàng chục triệu con giống chất lượng cao cho Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Bình quân mỗi năm Trạm Nghiên cứu gia cầm Cẩm Bình cung cấp ra thị trường 1,5 – 2 triệu con giống.
Trên cơ sở nền tảng từ các dòng vịt CV Super M, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã lai tạo ra các các dòng vịt Super M3 và SM3 Super Heavy nhập nội năm 2006 và 2007. Để từ đó kết hợp những đặc điểm tốt của các dòng vịt trên, tạo ra được tổ hợp lai có ưu thế về sức sống, chất lượng thịt, thích nghi với từng vùng sinh thái.
Ông Nguyễn Quý Khiêm, GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chia sẻ, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra giống vịt tốt và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người SX về phẩm cấp giống ông bà, bố mẹ, thương phẩm. Kiểm soát SX giống, thực hiện tốt công tác an toàn sinh học thú y phòng bệnh, phương thức chăn nuôi, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, môi trường chăn nuôi… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của SX.
Trong thời gian qua, trung tâm đã nghiên cứu chọn tạo được các dòng vịt có năng suất chất lượng cao và trở thành một trong ba đơn vị cung cấp giống thủy cầm lớn nhất.
Nguồn: nghenong.com