Ngoài thiên nhiên có rất nhiều cây cỏ mọc hoang dại nhưng lại có tác dụng phòng chữa bệnh, nếu biết về đặc tính sinh học của chúng cũng như cách chế biến sẽ tạo nên loại nước mát hữu ích cho sức khỏe con người.
1. Cây thuốc dòi hay còn gọi là cây Bọ mắm
Tên khoa học là Pouzolzia Acylanica, cây thuốc dòi là loại cỏ thân mềm, thân cây có lông. Lá mọc so le, có khi mọc đối có lá kèm, hình mác, hẹp, trên gân và 2 mặt đều có lông nhất là ở mặt dưới; lá dài 4 – 9cm, rộng 1,5- 2,5cm có 3 gân xuất phát từ cuống, cuống dài 5mm có lông trắng. Hoa tự đơn tính mọc thành tim co. Quả hình trứng nhọn, có bao hoa có lông. Toàn cây, lá có thể dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc dòi trong nhân dân bằng cách sắc uống hay nấu thành cao dùng để chữa bệnh ho lâu năm, ho lao, viêm họng; làm thuốc mát và thông tiểu, thông sữa.Cây thuốc dòi có thể dùng tươi xay nhuyển vắt lấy nước uống để mát phổi, nếu nấu chín có vị thơm uống rất ngon.
2. Rễ cỏ tranh
Có tên khác là Bạch mao căn (tên khoa học: Rhizoma Imperatae), cỏ tranh là loại cỏ sống dai, thân, rễ chắc, khỏe. Rễ cỏ tranh mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con. Khi làm thuốc, đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ, Chúng ta thu hoạch rễ tranh từ cây cỏ tranh để làm thuốc. Trong rễ cỏ tranh có các chất glucoza, fructoza và axit hữu cơ. Theo Đông y, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn vào 3 kinh tâm, tỳ và vị có tác dụng thông tiểu tiện và tẩy độc cơ thể, dùng chữa nội nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp..
3. Cây mía lau
Có tên khoa học là Sacharum Officinanum, là loại cỏ sống dai, thân yếu, thân rễ mang các thân cây mọc trên mặt đất cao từ 2 – 5m. Thân có đốt chứa nhiều sacaroza.Trong thân cây mía lau có chứa sacaroza chiếm từ 7 – 10%, protein 0,22%, chất béo (0,5%) và một số chất khác như: glyxin, arabinoza, glutamin, guanin, arabinoza… dùng toàn cây (bỏ rễ và ngọn). Theo y học cổ truyền, mía lau có tác dụng tiêu đờm.
4. Cây mã đề
Tên khoa học Plantago asiatica, họ mã đề (Plantaginaceae). Tên chữ Hán là xa tiền thảo, xa tiền thái. Hạt mã đề gọi là xa tiền tử. Mã đề thường mọc nơi ẩm ướt. Người dân thường dùng lá làm rau ăn và cả thân làm thuốc.
Theo Đông y mã đề có vị ngọt, tính lạnh đi vào các kinh, can, thận và bàng quang. Tác dụng chữa đái dắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lị, nhức mắt, đau mắt đỏ nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu dùng ngoài đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, mau lên da non…
5. Râu ngô ( râu bắp)
Trong râu ngô có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin H (biotin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic, isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol, các chất đắng, dầu béo , vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Uống nước râu ngô có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng, làm hạ đường huyết , tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông. Dùng râu ngô hàng ngày thay nước chè (trà) có tác dụng rất hiệu quả cho người bị ứ mật và sỏi túi mật .Nước luộc rau ngô có tác dụng trong các trường hợp bị phù có quan hệ đến bệnh tim.Thường xuyên dùng nước luộc râu bắp lâu dài cho người bị bệnh sỏi thận hay sỏi bàng quang và niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.
6. Cây lẻ bạn lá lớn
Cây lẻ bạn lá lớn hay gọi là cây hoa sò huyết là một cây thảo, sống nhiều năm, cao 30 – 40cm, phủ bởi bẹ lá, không phân nhánh. Lá dài 18 – 28cm, rộng 3 – 5cm, không cuống, có bẹ; mặt trên lá màu lục, mặt dưới có màu tía. Cụm hoa hình tán dựng trong 2 cái mo úp vào nhau, nom như sò. Hoa có lá đài, 3 cánh hoa màu trắng vàng, quả nang dài 3 – 4mm, 3 ô, mở thành 3 mảnh vỏ, chứa một hạt có góc và cứng. Cây lẻ bạn ra hoa vào mùa hè. Được trồng làm cảnh ở nhiều nơi, nhất là các thành phố như công viên, vườn nhà.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây lẻ bạn là hoa hay lá dùng tươi hoặc phơi khô. Theo y học cổ truyền cây lẻ bạn có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.
7. Hoa cúc
Từ lâu, hoa cúc được xem như một loài thảo dược có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người.Dùng hoa cúc lâu ngày sẽ giúp làm đẹp nhan sắc, kéo dài tuổi thọ…
Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt. Còn theo các nghiên cứu hiện đại, hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ trong máu, làm dịu căng thẳng thần kinh và giúp ngủ ngon.
Một số công thức nấu nước mát thanh nhiệt:
– Rễ tranh 1 nắm
– Mìa lau vài khúc đập dập
– Râu bắp 1 nắm
– Cây mã đề 1 nắm
– Cây thuốc dòi 1 nắm
– Vài lá lẻ bạn.Tất cả đem rửa sạch rồi nấu trong 2-3 lít nước đến khi sôi vặn nhỏ lửa thêm 10-15 phút là được.
Hay chỉ cần vài khúc mía lau và nắm to râu bắp nấu rửa sạch nấu trong 2 lít nước để sôi rồi vặn lửa nhỏ thêm 10 phút, để nguội uống dần. Nên cố gắng uống nước mát nấu trong ngày để vị thuốc nước mát còn nhiều tác dụng tốt hơn để qua đêm. Nước mát có tính hàn, tác dụng thanh nhiệt nên những người tỳ vị hư hàn, hay bị lạnh bụng, đi tiêu lỏng, ớn lạnh, tay chân lạnh, huyết áp thấp… thì không nên lạm dụng loại nước mát này.
Nguồn: sưu tầm