Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh trên tôm diễn ra ngày càng phức tạp.
Để góp phần tăng hiệu quả cho nghề nuôi tôm, người nuôi cần tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật, trong đó đặc biệt lưu ý thực hiện tốt các biện pháp cải tạo ao, xử lý nguồn nước cấp và nước thải, chọn giống, quản lý ao nuôi…
Nội dung chính
1. Cải tạo ao trước mỗi vụ nuôi
Đưa lớp bùn đáy ra khỏi ao nuôi và cho vào ao chứa bùn (có thể cải tạo khô hoặc ướt tùy điều kiện thực tế). Ngâm rửa nền đáy ao. Kiểm tra pH đất đáy ao để tính lượng vôi bón vào ao. Lấy nước vào ao (qua lưới lọc) và ngâm 3 – 4 ngày. Xả bỏ nước trong ao và phơi đáy ao lại 7 – 10 ngày.
2. Xử lý nguồn nước cấp, nước thải
Để nghề nuôi tôm được bền vững, ngoài ao nuôi cần có hệ thống ao lắng và ao xử lý chất thải.
* Nguồn nước cấp: Khi lấy nước cần kiểm tra kỹ chất lượng nguồn nước, tình hình bệnh tôm ở những vùng lân cận, lấy nước vào thời điểm nước lớn trong ngày. Cách thực hiện: Lấy nước vào ao chứa lắng qua vải lọc dày; Để 3 ngày, kết hợp chạy quạt; Tiến hành xử lý nước, có 2 cách: Sử dụng Chlorine 25 – 30ppm (25 – 30kg/1.000m3) hoặc kết hợp diệt giáp xác đến diệt cá tạp rồi diệt khuẩn. Sau đó tiến hành gây màu nước.
* Nguồn nước thải: Nước thải từ ao nuôi tôm phải đưa vào ao xử lý để xử lý trước khi thải ra môi trường. Có thể thả cá rô phi hoặc trồng rong cỏ trong ao để thay thế hoá chất xử lý.
3. Chọn giống
Chất lượng giống ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả vụ nuôi. Cần chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, ở những trại giống có uy tín, tôm đã qua kiểm dịch, kiểm tra cảm quan thấy tôm có màu đặc trưng của loài, râu và phụ bộ đầy đủ, không dị hình, ruột đầy thức ăn; tôm đều cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, có khả năng bơi ngược dòng và phản ứng nhanh với tác động bên ngoài.
Ngoài ra, tôm giống cần được kiểm tra một số bệnh nguy hiểm bằng cách thu mẫu và gửi xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Cỡ giống thả thích hợp đối với tôm thẻ chân trắng là > PL12, chiều dài >10mm; đối với tôm sú từ PL15 trở lên và chiều dài >12mm. Mật độ thả tôm chân trắng 60 – 80 con/m2, tôm sú 20 – 25 con/m2.
4. Quản lý ao nuôi
* Cho ăn: Chọn loại thức ăn viên tổng hợp chuyên dùng cho tôm, trong thực tế đã được người nuôi sử dụng có hiệu quả cao. Tùy tình hình thời tiết, sức khỏe tôm, kết quả kiểm tra đường ruột mà điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Không cho tôm ăn khi trời nắng nóng hoặc mưa gió lớn, đảm bảo lượng oxy hoà tan > 3mg/l trong suốt thời gian cho ăn, giảm cho ăn trong lúc tôm lột xác, kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Định kỳ bổ sung khoáng, vitamin C, men vi sinh… cho tôm nuôi.
* Quạt nước, sục khí: Nhu cầu máy quạt nước, sụt khí cho ao nuôi phụ thuộc vào độ sâu và diện tích ao. Thời gian vận hành máy quạt nước, sục khí phụ thuộc vào thời gian nuôi, tôm càng lớn thời gian vận hành máy càng nhiều. Những lúc màu nước ao xấu, tôm bị bệnh phải dùng thuốc hoặc hóa chất xử lý phải mở máy liên tục. Phải đảm bảo hàm lượng oxy hoà tan tầng đáy > 3mg/l.
* Quản lý các yếu tố môi trường: Cần phải theo dõi kết quả quan trắc môi trường thường xuyên nhất là khi có kế hoạch lấy nước vào ao; duy trì các chỉ tiêu về chất lượng nước thật ổn định và nằm trong phạm vi thích hợp: pH 7.5 – 8.5 và biến động trong ngày đêm phải nhỏ hơn 0.5; độ kiềm 80 – 120mg/l; hàm lượng oxy hòa tan 5 – 7mg/l, oxy tầng đáy >3 mg/l; các khí độc như: NH3, H2S, NO2 không có hoặc nhỏ hơn 0.02 mg/l; cách khống chế NH3, NO2 và H2S trong ao nuôi tôm: không thả quá dày, quản lý tốt việc cho tôm ăn, sử dụng các chế phẩm sinh học.
5. Cách ly để phòng ngừa lây nhiễm
Hệ thống rào bao quanh phải đảm bảo kín, vật chủ trung gian mang mầm bệnh không xâm nhập được, ngăn ngừa gia súc, gia cầm vào ao nuôi. Người không phận sự không được phép vào ao nuôi. Cần vệ sinh, sát trùng người, vật ra vào ao nuôi, dụng cụ sử dụng phải riêng biệt từng ao nuôi và được vệ sinh, sát trùng sau khi sử dụng.
Ngoài ra cần áp dụng các mô hình nuôi thân thiện với môi trường nhằm cách ly sự phát triển của các loại mầm bệnh: Nuôi một vụ tôm một vụ là đối tượng thủy sản khác, nuôi tôm quảng canh cải tiến – trồng lúa, nuôi cá rô phi kết hợp tôm (thả rô phi trong lồng đặt trong ao tôm hoặc thả vô ao tôm), dùng cá rô phi để xử lý nước trong ao lắng hoặc sử dụng trùn quế làm thức ăn bổ sung, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học hạn chế sử dụng thuốc.
6. Hợp tác trong nuôi tôm
Nhà nước khuyến khích tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác tự nguyện để giúp nhau trong khâu kỹ thuật; dịch vụ về giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản; phòng trừ dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường và có ý thức phòng bệnh chung.
Để thực hiện tốt việc này Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng hệ thống cống cấp và thoát nước, xây dựng ao lắng (20 – 25% diện tích ao nuôi) cho vùng nuôi. Người dân hợp tác các khâu: Cải tạo ao đồng loạt; chọn cùng nguồn giống đạt chất lượng tốt; thả giống đồng loạt; đóng góp chi phí xử lý nước trong ao lắng theo tỉ lệ sử dụng nước cấp; chọn chung nhà cung cấp thức ăn, vật tư thuốc thú y thủy sản để có những chính sách ưu đãi; được cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến hỗ trợ kỹ thuật cụ thể cho từng ao nuôi và thông tin những vấn đề có liên quan đến nuôi tôm cho bà con nông dân kịp thời.
7. Liên kết 4 nhà
Nhà nước: Cần quy hoạch vùng nuôi. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao, kênh cấp – thoát trong vùng nuôi. Cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân như thuế, vốn, hạ tầng cơ sở, phòng chống lây lan dịch bệnh. Cần có chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển thủy sản, đặc biệt là chế biến để góp phần ổn định giá cả đầu ra và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các tổ hợp tác tự nguyện nuôi trồng thủy sản.
Nhà nông: Tuân thủ đúng, đủ qui trình kỹ thuật khi nuôi. Tùy theo khả năng (kỹ thuật, tài chính…) mà chọn mô hình nuôi cho phù hợp. Nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, mùa vụ sản xuất. Phải liên kết và có ý thức cộng đồng cao.
Nhà khoa học: Tăng cường quan hệ với các viện, trường nhằm tiếp nhận kịp thời những thông tin, quy trình công nghệ mới, các giống loài mới. Phối hợp với địa phương tổ chức trình diễn kịp thời, đáp ứng cho nhu cầu phát triển thuỷ sản của tỉnh. Hướng đến xây dựng qui trình nuôi an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm “sạch” phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Tập huấn cho nông dân kỹ thuật sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Tổ chức nhiều mô hình trình diễn kết hợp chương trình dạy nghề nông thôn để nhân rộng mô hình. Luôn bên cạnh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân.
Nhà doanh nghiệp: Liên kết chuỗi sản xuất – chế biến và tiêu thụ: Đầu tư một phần kinh phí cho nông dân, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định, đảm bảo người nuôi tôm có lãi. Chú trọng đầu tư công nghệ chế biến theo hướng các sản phẩm giá trị gia tăng.
8. Xử lý ao tôm bị bệnh chết
Nếu không may tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, người dân tuyệt đối không xả thải ra môi trường bên ngoài ao nuôi, thực hiện ngay các biện pháp cách ly và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Trạm Thú y, Trạm Thủy sản, UBND xã, Phòng NN-PTNT huyện để được hướng dẫn cách ly và hỗ trợ xử lý mầm bệnh kịp thời.
Đối với ao tôm không may bị bệnh đốm trắng, gan tụy, đầu vàng hoặc bệnh truyền nhiễm khác dùng Chlorine liều lượng 25 – 30kg/1.000m3 hoặc TCCA liều lượng 5kg/1.000m3 (Chi cục Thú y đang sử dụng) để xử lý ao nuôi tôm bị bệnh, ít nhất sau 15 ngày mới xả nước vào ao chứa nước thải. Loại bỏ hết tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, sau đó tiến hành cải tạo đáy ao. Trong quá trình phơi ao, dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao, chú ý cần ngâm rửa đáy ao cho đến khi pH ổn định trước khi lấy nước vào ao. Thời gian cách ly ít nhất 1 tháng, sau đó có thể tiến hành thả nuôi trở lại.
Để đảm bảo an toàn cho vụ nuôi tôm, nếu ao tôm bị bệnh chết khi xử lý ao xong nên nuôi loài thủy sản khác như cá rô phi, cua… hoặc cho ao nghỉ kết hợp dùng các cây cỏ để lọc sinh học nước.
Lưu ý: Không sử dụng các hoá chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước và nuôi. Khi nào môi trường nuôi thật sự ổn định mới thả giống lại.
Nguồn: vietlinh.vn